Chú tiểu 'cách mạng nòi' và ký ức Đức Hòa kiên trung

Lần đầu đến Đức Hòa 29 năm về trước, tôi nhớ mãi những con đường lộ trải sỏi mờ mịt bụi trong mùa khô, đồng đất mênh mang thẳng cánh cò bay. Tại Ngã tư Đức Hòa, có một bức tượng lớn màu trắng, cao chừng 15 mét nổi bật giữa khuôn viên nhiều cây xanh; đó là tượng Võ Văn Tần, người Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đã anh dũng hy sinh thời Nam Kỳ khởi nghĩa.

Ngắm nhìn bức phù điêu trong quần thể khu di tích, tôi liên tưởng đến không khí hào hùng những người nông dân nổi dậy chống thực dân, phong kiến và hình ảnh các vị cách mạng tiền bối Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu… ngẩng cao đầu bước ra pháp trường đền nợ nước.

Danh anh, phận em

Đầu tháng 12/2023, nhân một chuyến công tác vào phương Nam, tôi tìm gặp ông Nguyễn Tấn Quốc, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Long An. Là người có chuyên môn và đam mê nghiên cứu lịch sử quê hương, ông Quốc tỏ ra hào hứng khi tôi hỏi về đất và người Long An. Đến câu chuyện danh nhân Võ Văn Tần, ông Quốc cho biết: “Cụ Bảy Tần có nhiều con. Hiện các cháu của cụ sống ở thị trấn Đức Hòa, trong đó có ông Võ Văn Đấu, thường gọi Út Đấu, là cháu nội, đang sinh sống ngay trên mảnh đất của tổ tiên để lại”… Nghe vậy, tôi cả mừng gọn điện cho người bạn thân ở thị trấn Đức Hòa là Lê Minh Chánh (trú tại thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An); hỏi về khu di tích Ngã tư Đức Hòa và những hậu duệ của cụ Võ Văn Tần. Ông Chánh cho biết: “Tôi và anh Út Đấu là chỗ xóm giềng, thân quý nhau!”.

Tác giả Duy Hiển và gia đình ông Út Đấu dâng hương trước tượng đài đồng chí Võ Văn Tần.

Tác giả Duy Hiển và gia đình ông Út Đấu dâng hương trước tượng đài đồng chí Võ Văn Tần.

Với sự kết nối, giúp đỡ của ông Chánh, sáng sớm hôm sau, chúng tôi có mặt tại khu di tích Ngã tư Đức Hòa, đồ lễ đã được ông Chánh và vợ là bà Huệ chuẩn bị chu đáo. Vợ chồng ông Út Đấu cũng có mặt từ sớm, giúp chúng tôi sửa lễ rồi kính cẩn dâng hương trước tượng đài Võ Văn Tần.

Sau lễ dâng hương, vợ chồng ông Út Đấu đưa chúng tôi về thăm nhà ở ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa. Ngay trong khuôn viên khu đất vuông vắn rộng khoảng 1ha của tổ tiên để lại, có một ngôi chùa khang trang là “Chùa Đức Quang”. Ông Đấu kể: “Chùa này do má tôi dựng lên từ năm 1960, vừa làm nơi tu tập vừa để che mắt địch, nuôi giấu và tiếp tế cho cách mạng. Bọn cảnh sát ở chi khu Đức Hòa biết nhà tôi có người theo cách mạng nên theo dõi rất gắt gao. Má tôi đi đâu là chúng nó theo tới đó… Dưới nền ngôi chùa có địa đạo, đào từ ngày xưa làm nơi cán bộ ẩn náu. Sau này tôi tôn tạo, xây dựng mới ngôi chùa trên đất cũ, lâu năm nên lối vào địa đạo giờ không ai còn nhớ ở đâu…”.

Vợ chồng ông Võ Văn Đấu (bìa phải) cùng PV trước tượng đài Võ Văn Tần.

Vợ chồng ông Võ Văn Đấu (bìa phải) cùng PV trước tượng đài Võ Văn Tần.

Ông Đấu sinh năm 1956, là con trai út của ông Võ Văn Voi (tức Võ Văn Định, bí danh Lê Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường, sinh năm 1920, mất năm 1995). Ông Voi là con trai út của cụ Võ Văn Tần. Theo hồi ức của ông Đấu, lúc còn bé, hiếm khi ông được gặp mặt ba, chủ yếu sống với má. Năm ông 12 tuổi thì đi tu tại một ngôi chùa ở Tây Ninh.

Ông Đấu kể: “Má tôi tên thật là Trần Thị Hóa (1923-2007), có pháp danh là Thích Nữ Diệu Giáo. Tôi ở với má lúc bé, vô cùng cơ cực nên má phải cho tôi đi tu để tránh bị địch hãm hại và lớn lên sẽ không phải đi lính. Tôi còn nhớ, bọn cảnh sát ở chi khu Đức Hòa hay xuống nhà tôi hỏi “thằng Chiến đâu”? Chiến là anh trai tôi. Trong nhà gọi tôi là Chiến “nhỏ”, anh tôi là Chiến “lớn”. Khi đó ba tôi đã đưa anh Chiến ra Bắc. Mỗi lúc chúng nó hỏi anh Chiến, mọi người lại chỉ vào tôi, bảo “thằng Chiến đó”. Tôi còn nhỏ xíu nên chúng nó không tra hỏi nữa. Nhà tôi có 3 anh em trai, Võ Văn Hược (tức Võ Văn Quợt, năm nay 78 tuổi), Võ Văn Chiến (năm nay 70 tuổi) và tôi. Anh Chiến may mắn được đưa ra Hà Nội ăn học, còn anh Hược tôi cũng đi tu”.

PV và ông Út Đấu (bìa phải) thăm Nhà trưng bày khu di tích Ngã tư Đức Hòa.

PV và ông Út Đấu (bìa phải) thăm Nhà trưng bày khu di tích Ngã tư Đức Hòa.

Nhớ về người cha, ông Út Đấu nhấp ngụm trà, lần lần kể: “Lúc tôi sinh ra, ba tôi đã đi làm cách mạng, đi kháng chiến lâu rồi. Tôi không biết mặt ba. Đến lúc lớn chút thì mới được đi thăm ba, ba tôi ở miết trong rừng. Tôi nhớ là ba ở trong hầm giữa rừng, xung quanh nơi ba ở và làm việc toàn là cây trâm bầu. Còn có cả bài hát về cây trầm bầu nữa… Khi thăm ba thì tôi đi với bà cô, má đâu dám đưa đi vì bị chúng nó theo dõi dữ lắm”.

Ông Đấu kể về cuộc sống của một gia đình đi làm cách mạng từ trước khi Đảng ra đời. Nhà hầu như không có của nả gì, vì ông bà, cha mẹ đều đi làm cách mạng, đi kháng chiến, tứ tán khắp nơi. Chỉ có má kiên trì bám trụ ở quê nhưng bị địch theo dõi gắt gao. “Sau má phải đưa tôi đi tu trên Núi Bà nhưng đến những năm 1970, địch đánh mạnh lên Tây Ninh, những người đi tu cũng phải trốn vào rừng sâu. Tôi về tu tiếp ở chùa Vĩnh Xuân, gần cầu Quan của tỉnh Tây Ninh. Đến năm 1973 thì tôi được về lại quê nhà. Thời gian ở chùa, có những lúc tôi ngắm lục bình trôi qua cầu Quan, trên bờ địch dùng súng bắn lụp bụp vào đám lục bình, vì chúng nó nghi có cán bộ cách mạng nấp dưới đó” – ông Đấu nhớ lại những ngày gian nan.

Những bí mật đáng tự hào

Sau giải phóng năm 1975, gia đình ông Út Đấu mới được đoàn tụ và nhiều bí mật của gia đình dần hé lộ. Người cha hay kể về ông nội – nhà cách mạng Võ Văn Tần với niềm tự hào. Cụ Bảy Tần là một người có học, biết chữ nho, biết bốc thuốc chữa bệnh. Khi tham gia cách mạng, cụ hay cải trang, đổi nghề để di chuyển, lãnh đạo phong trào. Lúc cụ làm nghề giáo, lúc làm thầy lang. Thời điểm mới hoạt động ở Sài Gòn - Chợ Lớn, cụ Bảy Tần còn làm cả nghề kéo xe, làm “ngựa người” kiếm sống.

Bàn thờ Bác Hồ và các đồng chí Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân tại chùa Đức Quang.

Bàn thờ Bác Hồ và các đồng chí Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân tại chùa Đức Quang.

Theo dòng kí ức, ông Đấu kể: “Ông nội tôi bị địch bắt tháng 4/1940. Khi đó ba tôi còn trẻ nhưng đã tham gia cách mạng và đang hoạt động bí mật. Về công khai thì ba tôi làm cai cho quân Nhật ở Tân Sơn Nhứt. Ba tôi nói hồi đó thằng Pháp nó sợ thằng Nhật dữ lắm. Ba tôi kể, nếu ba liều mà nhờ quân Nhật can thiệp thì có thể cứu được ông nội tôi, nhưng lúc đó ba cũng đang hoạt động bí mật nên không thể. Ba tôi suy nghĩ mãi về chuyện đó, mỗi lần kể lại chuyện này là ba tôi khóc… Ông nội tôi đi đâu cũng có củ gừng gói trong miếng giấy để ở túi áo. Bà cô tôi (con gái út của cụ Võ Văn Tần) hay lục túi ông nội tôi, hỏi “Tía đi đâu mà bỏ củ gừng vô túi”?. Ông nội nói, “Tía hay đi đêm hôm nên ăn miếng gừng cho ấm bụng, khỏi lo cảm đó con”.

Ông Út Đấu và tác giả Duy Hiển.

Ông Út Đấu và tác giả Duy Hiển.

Theo sử sách ghi lại, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần bị địch bắt ngày 21/4/1940 do có chỉ điểm... Ngày 25/3/1941, tòa án quân sự Sài Gòn quy tội Võ Văn Tần phải chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940) và bị kết án tử hình. Ông Út Đấu kể: “Theo má tôi nói lại, hôm đó là đám giỗ ba chồng bà Mười Phiên (em ruột cụ Võ Văn Tần), nhằm ngày 28/8/1941 (tức mùng 6 tháng 7 âm lịch). Đang cúng giỗ thì có người chạy tới nói: “Chị Mười! Anh Bảy và một số người vừa bị giặc bắn rồi!”… Thế là cả nhà nhốn nháo tìm cách đến được nơi ông nội tôi bị hành quyết ở ngã tư Giếng Nước (nay thuộc huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Nghe kể lại khi bị dẫn ra pháp trường, ông nội tôi nói lớn: “Thà mình chết chứ không để phong trào cách mạng chết”. Sau khi chúng bắn ông nội tôi, gia đình không được nhận xác; đến khoảng những năm 1990, gia đình mới tìm được hài cốt nội tôi”…

Ông Út Đấu chỉ nơi đồng chí Châu Văn Liêm và một số đồng bào dũng cảm hi sinh trong cuộc đấu tranh ngày 4/6/1930.

Ông Út Đấu chỉ nơi đồng chí Châu Văn Liêm và một số đồng bào dũng cảm hi sinh trong cuộc đấu tranh ngày 4/6/1930.

Một trong những người đồng chí của Võ Văn Tần là Châu Văn Liêm, Bí thư liên Tỉnh ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Tân An, hy sinh tại Đức Hòa trước đó 11 năm. Ông Đấu nhớ lại, hồi còn sống, ba tôi kể, lúc cụ Châu Văn Liêm về Đức Hòa để lãnh đạo cuộc biểu tình là khoảng giữa năm 1930. Hôm đó, tầm 3 giờ chiều, cụ Liêm đến nhà tôi. Cụ hỏi thím Hai (vợ ông Võ Văn Siêng, tức dâu trưởng của cụ Võ Văn Tần): “Chị Hai, nhà có cơm không?”. Thím Hai đáp: “Giờ này chưa nấu cơm đâu, chỉ còn cơm nguội thôi”. Cụ Liêm nói: “Cơm nguội hay cơm lạnh gì cũng được, cho tôi một chén ăn đỡ”. Ăn xong chén cơm nguội, chiều hôm đó cụ Liêm dẫn đầu đoàn biểu tình khoảng 5.000 người dân Đức Hòa tập trung ở Dinh quận đưa yêu sách đòi quyền lợi, chống sưu cao thuế nặng. Địch tăng cường lực lượng từ Chợ Lớn, Sài Gòn về đàn áp, nổ súng vào những người biểu tình; cụ Liêm và một số đồng bào hy sinh trong đêm 4/6/1930…

Ông Đấu dẫn tôi ra ngã tư Đức Hòa chỉ nơi nhà cách mạng Châu Văn Liêm ngã xuống trong cuộc biểu tình tháng 6/1930, cách không xa bức tượng Võ Văn Tần. Tại đây, có một bức phù điêu lớn mô phỏng cuộc đấu tranh của người dân Đức Hòa – một trong những chiếc nôi cách mạng của Nam Bộ thành đồng Tổ quốc. Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Út Đấu thêm hào hứng bên con đường lộ trải nhựa thênh thang, tấp nập nhịp sống của một thị trấn phương Nam ngập tràn ánh nắng trước thềm xuân mới.

Duy Hiển – Viết Phùng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/chu-tieu-cach-mang-noi-va-ky-uc-duc-hoa-kien-trung-i720763/