Chữ tín trong mua bán nông sản
Dự kiến trong năm 2023 này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Mới đây tại Đắk Lắk đã diễn ra cuộc hội thảo chung quanh việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng do ngành NN&PTNT và Hiệp hội Sầu riêng tỉnh này cùng một số đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Có như vậy mới có thể giúp sầu riêng trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực trong việc xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì tại điểm cầu của Bộ và 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu chính. Hơn 1.000 điểm cầu trực tuyến ở hầu hết các vùng có trồng sầu riêng gồm các chủ nhà vườn, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà xuất khẩu... đủ để thấy sự thiết thực của cuộc tọa đàm này như thế nào.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, mỗi năm cây sầu riêng cung cấp cho thị trường khoảng 900 nghìn tấn trái, riêng tỉnh Đắk Lắk trong năm nay có khoảng 200 nghìn tấn. Thị trường các nước, nhất là Trung Quốc đang tiêu thụ mạnh trong những năm gần đây khiến nhiều vườn trái cây ở các địa phương đã bị phá bỏ để thay thế bằng cây sầu riêng.
Bình quân mỗi năm, diện tích sầu riêng tăng khoảng 25% bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về khả năng “khủng hoảng thừa” của loại trái cây này. Tuy nhiên, sầu riêng đang “sốt” chưa từng có, nhất là khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết hồi tháng 7/2022 đã tạo cơ hội và động lực mạnh mẽ phát triển ngành hàng sầu riêng, làm gia tăng đáng kể thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng.
Dự kiến trong năm 2023 này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Với giá bình quân hiện nay khoảng 80 - 100.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta sầu riêng, người nông dân lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng. Có lẽ chưa có loại cây ăn quả nào mà “lãi khủng” như sầu riêng.
Chính vì giá cả nóng sốt như vậy nên đã xuất hiện tình trạng tranh mua, tranh bán. Có những chủ vườn đã ký với hợp tác xã về “đầu ra” nhưng khi được giá, chủ vườn lại đem bán cho tư thương khiến kế hoạch của nhiều hợp tác xã bị vỡ.
Nhiều chủ vườn phản ánh rằng, tư thương năng động hơn, giá cả lại hợp lý hơn, nhất là mua bán rất nhanh chóng, trong khi hợp tác xã thì “đợi ngày” nên cơ hội về giá có thể bị bỏ qua. Lấy lí do như vậy, chữ “tín” trong trường hợp này bị phá vỡ khiến không ít hợp tác xã lao đao.
Sầu riêng khác với các loại nông sản ngắn ngày nên các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cũng chỉ cam kết bằng chữ “tín” chứ không quá ràng buộc về giống, phân và hướng dẫn kỹ thuật để người nông dân phụ thuộc vào các cam kết. Tuy nhiên, bao tiêu nông sản luôn là “cam kết” đem lại sự yên tâm nhất cho người làm ra sản phẩm.
Mua bán chụp giật có thể mang lại nguồn lợi nhất định trong một đôi vụ nhưng biết đâu, đến một lúc nào đó, cuộc “khủng hoảng thừa” về sầu riêng lại xuất hiện thì lúc ấy, người nông dân xử lý kiểu gì ngoài việc đổ bỏ như từng đổ bỏ dưa hấu hoặc thanh long.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-tin-trong-mua-ban-nong-san-post654199.html