Chú trọng bảo vệ và phát triển rừng

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm, các đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương. Nhờ đó, công tác theo dõi tình hình tại các khu vực giáp ranh và những vùng nhạy cảm được chú trọng, góp phần ổn định tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tuần tra quản lý, bảo vệ rừng

Tuần tra quản lý, bảo vệ rừng

Hiện nay, tổng diện tích có rừng và diện tích rừng đã trồng chưa thành rừng trên địa bàn 45 xã, phường, đặc khu của khu vực phía Đông và ven biển Lâm Đồng là 349.454,7 ha. Trong đó, đất có rừng 342.369,5 ha và đã trồng cây rừng là 7.085,2 ha. Diện tích rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng nằm phân bố trên các khu vực trọng điểm cháy rừng, với loài cây trồng chủ yếu là các loài keo, phi lao, bạch đàn… tiếp giáp với các khu vực dân cư, đất canh tác nông nghiệp của người dân nên có nguy cơ cao về cháy rừng.

Vùng trọng điểm cháy rừng cấp II, III (có nguy cơ cháy cao vào mùa khô) có 241.423 ha, chiếm 77,7% diện tích có rừng. Đáng chú ý, khu vực này có khí hậu khô hạn, nên nguy cơ cháy rừng cao, phần lớn diện tích rừng năm trên địa hình đồi núi. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của lực lượng chuyên môn.

Tuyên truyền về PCCCR

Tuyên truyền về PCCCR

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, trong nửa đầu năm 2025, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn đã phát hiện lập hồ sơ xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp 116 vụ, giảm 72 vụ so với cùng kỳ năm 2024, gồm các hành vi như phá rừng trái pháp luật; khai thác rừng trái phép; vận chuyển, mua bán lâm sản; tàng trữ lâm sản trái phép… và không xảy ra điểm nóng phá rừng. Qua đó, đã xử phạt hành chính 131 vụ, hiện còn 39 vụ đang theo dõi và thông báo truy tìm đối tượng theo quy định. Số lượng lâm sản tịch thu 76,73 m3 gỗ các loại, động vật tịch thu 1,3 kg, giá trị lâm sản ngoài gỗ 4,99 triệu đồng…

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã phát hiện và xử lý kịp thời 6 trường hợp cháy. Trong đó, có 5 trường hợp chỉ cháy lớp thực bì dưới tán rừng, được lực lượng chức năng phát hiện, chữa cháy kịp thời, không gây thiệt hại tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, có 1 trường hợp cháy rừng trồng keo lai với diện tích 0,19 ha xảy ra tại lâm phần Trạm Lâm nghiệp Thuận Nam thuộc Công ty Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam thiệt hại 35%. Kiểm lâm địa bàn lập biên bản xác minh, nguyên nhân do sự bất cẩn của người dân dùng lửa làm cháy lan qua rừng của công ty. Cũng trong mùa khô năm 2025, các đơn vị chủ rừng đã có các biện pháp làm giảm vật liệu cháy. Đồng thời, tiến hành tu sửa đường băng cản lửa, các biển báo, biển cấm lửa tại các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao. Song song, tổ chức trực ban, phân công lực lượng canh phòng cháy rừng tại chòi canh, các khu vực trọng điểm.

Ngoài công tác PCCCR, trong nửa đầu năm nay, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn của 45 xã, phường, đặc khu của tỉnh là 3.279 ha. Ngành và các địa phương đã thực hiện trồng 637 ha rừng trồng sản xuất, trong đó gồm 89 ha của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận và 548 ha ngoài quy hoạch. Các đơn vị đã gieo tạo trên 3,34 triệu cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn, gồm các loài cây chủ yếu như keo lai, bạch đàn. Điều này cho thấy hiệu quả của việc triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng từ gốc, góp phần giữ vững diện tích rừng hiện có. Mục đích nhằm đảm bảo duy trì độ che phủ rừng 43% và tỷ lệ che phủ chung 55% theo kế hoạch.

Kiều Hằng

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chu-trong-bao-ve-va-phat-trien-rung-381878.html