Chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đã xây dựng Dự án số 7 'Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em' nhằm chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều chính sách phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em

Theo Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng trẻ em. Trong số 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, có khoảng 1/3 trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu dinh dưỡng thể thấp còi, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở nhóm DTTS rất ít người còn ở mức cao như dân tộc Chứt là 40%, Si La 21,7%; Bố Y 35%; La Ha 20%, Brâu, Rơ Măm 29,87%; Ơ-đu 12%; Lô Lô: 16,91%.

Trong thời gian qua, nhiều chính sách cảu Nhà nước đã chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số.

TS. Nguyễn Thanh Tuấn - Dự án Alive&Thrive, FHI360 cho biết, trẻ em DTTS có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao là do thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ chưa hợp lý. Theo kết quả điều tra ban đầu của dự án gần đây nhất tại 11 tỉnh cho thấy, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của các dân tộc còn thấp (khoảng từ 4- 33%); tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở DTTS (khoảng từ 33-52%) thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%). Nguyên nhân là do học vấn của bà mẹ thấp, thiếu an ninh lương thực; chế độ ăn không đa dạng và thiếu bữa (dân tộc Thái, Mường); cai sữa sớm (dân tộc Tày, Nùng).

Để khắc phục thực trạng này, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg về Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. Với chương trình này, đối tượng là trẻ em DTTS sẽ chiếm một phần không nhỏ.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2020, phê duyệt Đề án “Vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025” (gọi tắt là Đề án 588). Theo đó, Đề án 588 sẽ triển khai chuỗi hoạt động, từ vận động nguồn lực đến hình thành mạng lưới các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Theo các chuyên gia, với việc xây dựng và triển khai Dự án số 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”; sự vào cuộc cùng với Chính phủ của các bộ ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp, trẻ em DTTS trong thời gian tới sẽ được chăm sóc toàn diện hơn, khắc phục được những hạn chế về thể chất, trí tuệ, phát triển đồng đều cùng trẻ em cả nước.

Ra mắt Dự án “Dinh dưỡng cho em” hỗ trợ 1 triệu trẻ em nghèo

Mới đây, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa ra mắt Dự án "Dinh dưỡng cho em" với mục đích giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị thấp còi, suy dinh dưỡng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Theo bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Dự án "Dinh dưỡng cho em" nhằm góp phần cải thiện dinh dưỡng, tầm vóc mang lại niềm vui, hạnh phúc đến cho trẻ em nghèo, đặc biệt đối tượng trẻ em nghèo vùng biên giới. Thông qua việc thiết lập hệ thống các ngân hàng thực phẩm, quán cơm xã hội, ATM thuốc tại các vùng có tỷ lệ trẻ em thấp còi, suy dinh dưỡng, vùng đặc biệt khó khăn trên cả nước.

Dự án tập trung triển khai nhiều hoạt động: Hỗ trợ thực phẩm, bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em nghèo; khám dinh dưỡng và tư vấn nâng cao dinh dưỡng cho trẻ em, hỗ trợ thiết bị y tế, tập huấn, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, xây dựng môi trường sinh sống, học tập sinh hoạt lành mạnh… góp phần nâng cao nhận thức, hành động trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, giúp các em có cơ hội phát triển tốt hơn cả về thể chất và trí tuệ.

Dự án được triển khai trong 5 năm, bắt đầu từ tháng 3/2022. Đối tượng hưởng lợi từ Dự án là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị thấp còi, suy dinh dưỡng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

“Dự án dự kiến hỗ trợ, cung cấp thực phẩm dinh dưỡng thiết yếu cho 1 triệu trẻ em nghèo; phát triển và duy trì 20 quán cơm xã hội Thiện Nhân; 20 ngân hàng thực phẩm cung cấp thực phẩm miễn phí cho trẻ em; hướng dẫn 100 nghìn gia đình kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ em tại nhà hiệu quả, tối ưu; thu hút sự quan tâm và đồng hành của 1.000 y bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng và 5 triệu người đối với vấn đề nâng cao dinh dưỡng cho trẻ em”- bà Hòa cho hay./.

Trẻ mầm non dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn 550.000 đồng/tháng

Ngày 4/3/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, nhằm hỗ trợ bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, Điều 5 Thông tư 15 quy định các chính sách hỗ trợ trẻ em dưới 5 tuổi như sau: Hỗ trợ trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh bẩm sinh phổ biến theo Danh mục bệnh tật bẩm sinh phổ biến do Bộ Y tế quy định. Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cấp có thẩm quyền quy định tại thời điểm thực hiện dịch vụ;

Hỗ trợ 1 lần chi phí đi lại cho trẻ đến cơ sở y tế thực hiện tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh tối đa 500.000 đồng/trẻ; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ; hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tối đa 3 triệu đồng/trẻ…

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-trong-cham-soc-dinh-duong-cho-tre-em-dan-toc-thieu-so-103129.html