Chú trọng chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội quan tâm và được cử tri phản ánh.

Đại biểu HĐND thành phố thường xuyên giám sát, với mong muốn Hà Nội có nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên bố trí nguồn lực, đầu tư, nâng cao chất lượng công tác này, từ đó bảo đảm an sinh xã hội.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội khảo sát cơ sở sản xuất lụa phường Vạn Phúc, quận Hà Đông được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội khảo sát cơ sở sản xuất lụa phường Vạn Phúc, quận Hà Đông được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tạo việc làm cho lao động đặc thù, yếu thế

Tại kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 2024, chất vấn các vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (Tổ Mỹ Đức), đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ Long Biên), đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (Tổ Đan Phượng)… đã đề nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp để thúc đẩy công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động đối với nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động.

Sau phiên chất vấn, mới đây, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương trả lời đại biểu và khẳng định, thị trường lao động từ cuối năm 2023 đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ người lao động được tạo việc làm đạt 75,7% kế hoạch năm 2024 và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 35.922 người, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho hay, để người lao động duy trì một công việc mang tính ổn định cao, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết việc làm kịp thời cho người lao động, đặc biệt là nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động.

Trong đó, đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu lao động, bao gồm cả các hoạt động tư vấn trực tiếp, phỏng vấn trực tuyến và kết nối qua kênh “người tìm việc, việc tìm người” trên trang Vieclamhanoi.net. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về giải quyết việc làm như đào tạo nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chính sách xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm, tư vấn việc làm tại 15 sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đặt tại các quận, huyện...

Giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm

Ngoài các câu hỏi của các đại biểu trên, HĐND thành phố đã tổng hợp 50 kiến nghị của cử tri gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu, triển khai các giải pháp trong thời gian tới để giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm.

Trả lời bằng văn bản các nội dung liên quan vào tháng 8-2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, thời gian tới, Sở sẽ rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định số 73/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để cập nhật vào Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quý III-2024, Sở hoàn thiện và tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án nâng cao chất lượng hoạt động các trường cao đẳng, trung cấp công lập thành phố giai đoạn 2024-2030. Cùng với đó là rà soát, xây dựng, đề xuất các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động... Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động việc làm; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm...

Đặc biệt, trong năm 2024, Sở hướng dẫn các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, cho người lao động; tiếp tục xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo đối với các nghề còn lại trong danh mục 77 nghề đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng giai đoạn 2022-2025 đã được UBND thành phố phê duyệt. Đồng thời, Sở đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng mà người lao động có nhu cầu học nghề tại địa phương, làm cơ sở để xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo cho giai đoạn tiếp theo.

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 1 ngày chất vấn tại kỳ họp thứ mười bảy (khóa XVI) đối với 2 nhóm vấn đề: Về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội và công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố. Tại phiên chất vấn đã có 38 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn cũng như tranh luận để làm rõ các vấn đề. Qua tổng hợp, hiện vẫn còn một số câu hỏi của các đại biểu gửi đến UBND thành phố và các sở, ngành để làm rõ một số nội dung có liên quan. Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu, xem xét, tổng hợp trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND thành phố bằng văn bản, gửi Thường trực HĐND thành phố. Nội dung trả lời sẽ được gửi tới các vị đại biểu HĐND thành phố cũng như đăng tải công khai tại trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội để cử tri và nhân dân Thủ đô tiếp tục theo dõi, giám sát.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-trong-chat-luong-dao-tao-nghe-giai-quyet-viec-lam-675164.html