Chú trọng công tác dư luận xã hội
Nắm bắt và định hướng dư luận xã hội (DLXH) cùng hướng đến mục tiêu duy nhất, theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) cũng đặt ra yêu cầu: 'Nâng cao chất lượng công tác DLXH và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, xử lý kịp thời thông tin, định hướng DLXH'.
Bám sát thực tiễn cơ sở
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau 3 năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác DLXH trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2020 - 2025”, công tác này đã chuyển biến rất tích cực. Cấp ủy các cấp chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức nắm bắt DLXH theo hướng “Toàn diện, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, sát thực tiễn cơ sở”.
Lực lượng cộng tác viên DLXH ngày càng được mở rộng, phát huy vai trò chủ đạo, như: Báo cáo viên, tuyên truyền viên, hội viên đoàn thể, lực lượng vũ trang, đội ngũ trí thức, hưu trí, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, đảng viên chi bộ cơ sở, khóm, ấp… Các địa phương, đơn vị duy trì, tạo nhiều kênh nắm bắt, tiếp thu phản ánh của dư luận: Thông qua mạng xã hội; qua đối thoại với nhân dân, diễn đàn lắng nghe dân nói; tiếp xúc cử tri; họp tổ dân phố, khóm, ấp, chi - đảng bộ ngành, cơ quan; qua tiếp xúc với công nhân, người lao động, nông dân, phụ nữ…
Ở chiều ngược lại, cơ chế phản ánh, phản hồi DLXH được phát huy hiệu quả, thông qua quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm.
Hầu hết phản ánh dư luận đều được phản hồi nghiêm túc, chất lượng, như vụ huy động 400 người thử tải cầu bộ hành Nguyễn Thái Học (TP. Long Xuyên), xây dựng nhà trái phép trên núi Sập (huyện Thoại Sơn), đặt trạm thu phí, vé vào tham quan tại Khu du lịch miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), dự án Khu dân cư Trung tâm thương mại Vịnh Tre (huyện Châu Phú).
Nhiều địa phương còn triển khai kế hoạch, ký kết chương trình phối hợp với ngành văn hóa - thông tin, lao động - thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, đồn biên phòng… để cộng đồng trách nhiệm cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, phản ánh, giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách.
“Công tác DLXH ngày càng thể hiện rõ vai trò và tầm quan trọng trong lãnh đạo, điều hành, phát triển đời sống xã hội. Nhận thức và sự quan tâm đối với công tác này của cấp ủy, hệ thống chính trị ngày càng nâng lên. Hoạt động phát ngôn, cung cấp thông tin được thực hiện bài bản hơn; công tác phối hợp nắm bắt, xử lý, định hướng dư luận ngày càng chặt chẽ, đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực” - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Thành Sĩ nhận định.
Tuyên truyền tốt cũng chính là "phản tuyên truyền"
Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh hiện có hơn 100 tổ chức cơ sở Đảng, 7.000 đảng viên. Hầu hết vấn đề DLXH thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, thể thao, dân tộc, tôn giáo… dù xảy ra bất kỳ đâu trong tỉnh, gần như đều liên quan đến Đảng bộ Khối. Đơn vị cũng là nơi trả lời phản ánh DLXH nhiều nhất so với các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Một trong những vấn đề công tác tuyên giáo đang phải đối mặt là “ô nhiễm thông tin”. Cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối thường xuyên tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng, đa chiều. “Thực trạng này tác động không nhỏ đến tình hình tư tưởng, ý kiến đánh giá của họ. Phương thức nắm bắt DLXH truyền thống đang dần mất đi tính hiệu quả, thiếu kịp thời. Việc dự báo, đề xuất giải pháp định hướng DLXH, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không còn tính chính xác cao nữa.
Một trong những vấn đề hết sức quan trọng mà chúng tôi tập trung thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới là phải cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan. Quan trọng hơn, phải phân tích rõ các mối quan hệ về lợi ích để hạn chế, chấn chỉnh nhận thức sai lệch; tạo môi trường cho DLXH đúng đắn, lành mạnh phát triển, phát huy tác dụng trong đời sống xã hội” - bà Tô Kim Hồng (Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối) chia sẻ.
“Chúng ta nhắc đi nhắc lại với nhau rất nhiều lần là có lực lượng nòng cốt hùng hậu ở từng địa phương, đơn vị, cấp ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một đề án riêng về lĩnh vực này, cho thấy sự quan tâm lớn đối với công tác DLXH. Cần nhìn thẳng rằng, việc nắm bắt DLXH ở một vài nơi đôi lúc chưa kịp thời, chưa toàn diện, chưa phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân; công tác phối hợp chưa chặt chẽ, nhịp nhàng. Cần sớm khắc phục tình trạng này trong thời gian tới” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 35 tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương trăn trở.
Thực hiện quan điểm “Tuyên truyền tốt cũng chính là phản tuyên truyền”, bà Trần Thị Thanh Hương cho rằng, đội ngũ làm công tác tuyên giáo, tuyên truyền cần phải nắm chắc tình hình, tăng cường khả năng dự báo sát thực tế, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và nhân dân trong lĩnh vực này. Các lực lượng liên quan cần phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và thực chất hơn; thường xuyên tuyên truyền thông tin chính thống, chọn lọc thông tin phù hợp với nhu cầu tiếp nhận ở từng đơn vị, địa phương…
An Giang có hơn 30 cộng tác viên DLXH cấp tỉnh; gần 300 người ở cấp huyện; gần 3.000 cộng tác viên, lực lượng nòng cốt cấp xã. Trong quý II/2023, hơn 200 nội dung, phản ánh liên quan đến công tác quản lý, điều hành chung của tỉnh và sở, ngành, địa phương được tổng hợp.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chu-trong-cong-tac-du-luan-xa-hoi-a368266.html