Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xác định đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là bước đệm quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Lâm Thao luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng, phát huy hiệu quả, góp phần giúp người lao động trên địa bàn huyện có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để công tác đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, huyện đã tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo các địa phương rà soát từng địa bàn khu dân cư để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong độ tuổi lao động về công tác lao động, việc làm và tuyên truyền, vận động để người dân nắm bắt thông tin, hiểu rõ tầm quan trọng, lợi ích của việc học nghề trước khi tham gia thị trường lao động. Cùng với đó, Trung tâm GDNN - GDTX huyện cũng đã đẩy mạnh đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đổi mới nội dung chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế của xã hội và bản thân người học. Đồng thời đổi mới phương thức đào tạo, đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó, các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là: Kỹ thuật trồng rau an toàn, cây có múi, điện dân dụng, may công nghiệp... Trong năm 2023, Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã mở 3 lớp đào tạo nghề cho 105 học viên gồm: Nghề trồng rau an toàn tại xã Xuân Huy, nghề may công nghiệp tại xã Phùng Nguyên, nghề trồng cây làm gia vị tại xã Sơn Vi.

Hội viên Hội Nông dân xã Phùng Nguyên tham gia lớp Sơ cấp nghề may công nghiệp.

Hội viên Hội Nông dân xã Phùng Nguyên tham gia lớp Sơ cấp nghề may công nghiệp.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phùng Nguyên Nguyễn Thị Phượng cho biết: “Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nông dân tích cực tham gia các lớp học do Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức. Với nội dung, chương trình đào tạo linh hoạt nhằm nâng cao kỹ năng, năng lực thực hành, phù hợp với khả năng tiếp thu, tự tạo việc làm của người dân, sau khóa đào tạo, các học viên đều nắm bắt được những kiến thức cơ bản về quy trình, kỹ thuật trong sản xuất, nuôi trồng, qua đó ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, với một số ngành học như may, điện, chúng tôi cũng chủ động liên kết với các xưởng sản xuất, công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã để tạo đầu ra cho học viên ngay sau khi kết thúc khóa học”.

Xác định một trong những nội dung quan trọng, mang tính ổn định, bền vững trong xây dựng nông thôn mới là tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các mô hình mới trong sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vì thế nhiều năm qua xã Sơn Vi đã tích cực ứng dụng, nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất chuyên canh phù hợp, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường các lớp đào tạo sơ cấp, ngắn hạn cho người dân.

Tham gia các lớp học đào tạo nghề giúp người dân biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mang lại năng suất, chất lượng cao.

Tham gia các lớp học đào tạo nghề giúp người dân biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mang lại năng suất, chất lượng cao.

Đồng chí Phạm Văn Ánh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Vi cho biết: “Địa phương đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là dạy nghề cho lao động trong các làng nghề, dạy nghề ngắn hạn cho người nông dân ở cộng đồng có sự phối hợp giữa địa phương, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và Trung tâm Khuyến nông, Trạm Khuyến nông đã mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài ra, mỗi năm, xã mở ít nhất một lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống kinh tế, xã hội của địa phương, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm”.

Với điều kiện thuận lợi là các lớp đào tạo sơ cấp được mở ngay tại địa phương, không phải đi lại xa nên số học viên tham gia các lớp đạt tỷ lệ cao, đồng thời kế hoạch học tập được xây dựng linh động và phù hợp với yêu cầu của học viên trong lớp học với trên 70% là thực hành, giúp học viên có nhiều thời gian ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Đa số học viên sau khi học nghề đã tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, cho thu nhập cao. Tỷ lệ người học nghề có việc làm sau đào tạo đạt 81%. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm...

Có thể thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, thay đổi nhận thức, thói quen canh tác, tác phong làm việc của người lao động theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, giúp người lao động không chỉ nâng cao trình độ tay nghề mà còn tăng cao về thu nhập, ổn định cuộc sống.

Vy An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chu-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-212876.htm