Chú trọng giáo dục tâm lý học đường
Thời gian gần đây, trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ việc học sinh tự tử do áp lực học tập và những mâu thuẫn trong quan hệ gia đình, xã hội khiến các em không thể vượt qua được. Những sự việc đau lòng này càng cho thấy vai trò của công tác giáo dục tâm lý học đường ngày càng quan trọng, nhất là giai đoạn hậu Covid-19.
Theo TS tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM): “Dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn 2 năm qua, nhất là việc các em phải học tập trực tuyến tại nhà suốt học kỳ 1 đã dẫn tới nhiều em bị stress (căng thẳng) một cách quá mức. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và kết quả học tập càng ngày càng đi xuống”.
* Áp lực học tập “hậu Covid-19”
Em Vũ Thị Thu Hương hiện là học sinh lớp 12, Trường THPT Vĩnh Cửu (H.Vĩnh Cửu). Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa em sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Với em cũng như nhiều học sinh khác, kỳ thi quan trọng này không chỉ quyết định đến chuyện tốt nghiệp THPT mà còn quyết định đến chuyện có đoạt được “tấm vé” vào đại học hay không. Thu Hương chia sẻ: “Em đã trải qua học kỳ 1 đầy căng thẳng vì giãn cách xã hội, việc phải học trực tuyến tại nhà hiệu quả không cao, ít được giao tiếp đôi khi khiến em cảm thấy chán nản trong học tập”.
TS tâm lý ĐÀO LÊ HÒA AN, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay cho biết:
Cha mẹ cần chú ý tâm lý con em giai đoạn hậu Covid-19
Suốt thời gian dài ngồi trước màn hình thiết bị điện tử để học trực tuyến vì dịch Covid-19, các em học sinh dễ có cảm giác bị cô lập, xa cách, căng thẳng và lo âu. Từ những thay đổi tiêu cực về cảm giác, các em rất dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi vì khó tập trung chú ý.
Giai đoạn hậu Covid-19, phụ huynh cần quan tâm đến tâm lý con em nhiều hơn, thay vì tạo áp lực thêm cho các con, hãy trở thành những người bạn giúp con vượt qua được giai đoạn khó khăn, được tâm lý tốt hơn thì mới học tập và sinh hoạt hiệu quả.
Với những phụ huynh có con đang học ở những lớp cuối cấp thì áp lực học tập đặt lên con càng trở nên lớn hơn. Anh Phạm Thái Hòa, phụ huynh có con học lớp 9, Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi đặt mục tiêu cho con sau khi học hết lớp 9 sẽ thi đậu lớp chuyên Toán của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Thế nhưng năm học này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kết quả học tập của con trong học kỳ 1 bị ảnh hưởng khá nhiều. Bước sang học kỳ 2, tôi dành thời gian cho con nhiều hơn, ngoài học ở trường, thì buổi tối và cuối tuần con còn học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh ở 3 địa điểm khác nhau”.
Khi được hỏi việc đặt mục tiêu lớn cho con phải thi đậu vào trường chuyên có vô tình tạo áp lực cho con hay không, anh Phạm Thái Hòa chia sẻ: “Tôi đã đầu tư cho con học hành nhiều năm nay, gần như con đã quen được với áp lực học tập liên tục như vậy. Hơn nữa, đây là năm học rất quan trọng nên tôi đã tạo thuận lợi, đồng thời động viên con cố gắng vượt qua khó khăn, áp lực để đạt được mục tiêu đề ra là đậu vào trường chuyên. Biết rằng áp lực học tập đặt lên vai con là rất lớn nhưng nếu không cố gắng thì sẽ không có được kết quả như mong muốn”.
Áp lực về học tập, điểm số đã vô hình trung tạo ra những áp lực về tâm lý đối với học sinh. Một giáo viên công tác tại trường tiểu học tại TP.Biên Hòa chia sẻ, sắp tới các em học sinh lớp 5 sẽ xét tuyển lên lớp 6, nên phụ huynh rất coi trọng về điểm số các môn học. Không ít phụ huynh đã đặt kỳ vọng thái quá lên con em mình bằng cách gia tăng áp lực học tập với các em. Ngoài học chính khóa trên lớp các con còn học thêm ở nhiều nơi. Qua theo dõi, có em dù đã rất cố gắng nhưng điểm số không như mong muốn đã bị cha mẹ la mắng, thúc ép học nhiều hơn, khiến các em cảm thấy bị căng thẳng khi đến lớp.
* “Kéo giãn” tâm lý học trò
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào nửa cuối năm 2021. Khi dịch có những dấu hiệu được kiểm soát tốt, tỉnh đã có ngay chỉ đạo cho học sinh trở lại trường thay vì chờ hết dịch. Điều này đã tránh được những hậu quả lớn có thể xảy ra với chất lượng học tập của các em cả trước mắt lẫn lâu dài, nhất là những hậu quả khó đo đếm được về sức khỏe tâm thần của học sinh.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc Thân Anh Thiết cho hay, sau khi học sinh toàn huyện được đi học trở lại, phòng đã chỉ đạo cho các trường thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là củng cố lại kiến thức cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, để tạo tâm lý thoải mái cho học trò khi trở lại trường, phòng đã chỉ đạo hướng dẫn các trường tổ chức xen kẽ nhiều hoạt động ngoại khóa giúp học sinh vừa học vừa chơi.
Đến nay, hầu hết các trường ở Xuân Lộc đều duy trì tốt hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn Trường tiểu học Xuân Trường (xã Xuân Trường) có hoạt động Không gian ngàn việc tốt. Với hoạt động này, hằng tuần các em được ra vườn trường trồng cây, làm vệ sinh trường lớp, tự trang trí lớp học, giúp các em trở nên gần gũi và gắn kết nhau hơn. Hay Trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Xuân Thọ) tổ chức giải bóng đá phong trào dành cho học sinh lớp 5…
Ban giám hiệu nhiều trường phổ thông cho biết, thời gian đầu mở cửa lại trường học trực tiếp có rất nhiều áp lực với học sinh và giáo viên. Với các em học sinh, không chỉ có nỗi lo lắng về dịch bệnh mà nhiều em còn áp lực với việc phục hồi kiến thức bị giảm sút đáng kể sau một thời gian dài phải học trực tuyến. Nhiều phụ huynh ngay sau khi con trở lại trường, vì lo lắng quá mức nên đã tạo thêm tâm lý nặng nề cho con em.
Nhưng với cách làm cụ thể của các nhà trường, đến nay sự căng thẳng đã giảm đáng kể. Hầu hết học sinh đã thích nghi với việc “sống chung” với Covid-19, phụ huynh cũng dần quen với tâm lý nếu con em mình chẳng may nhiễm Covid-19 thì cũng chỉ mất 5-7 ngày là khỏi, không còn tâm lý hoang mang theo kiểu dây chuyền như trước đây.
Cô Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên tình hình dạy và học ở trường đến nay cơ bản rất ổn định. Phụ huynh đều an tâm cho con em đến trường, đồng thời các em học sinh khá thoải mái với nhiệm vụ học tập bình thường. Ban đầu, trường còn thận trọng không tổ chức hoạt động tập trung đông người đầu tuần, hay giờ ra chơi, nhưng đến nay thì hoạt động này những hoạt động này đã được tổ chức trở lại. Chính các hoạt động vui chơi ngoài trời đã giúp cho các em có được tâm lý thoải mái hơn, tác động tốt cho việc học ở lớp.
Công Nghĩa
Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:
Tránh gây áp lực học tập thái quá cho con em
Đồng Nai là một trong những tỉnh đã quyết liệt cho học sinh trở lại trường học trực tiếp sớm nhất so với những tỉnh cùng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19. Điều này đã giải phóng các em khỏi tâm lý nặng nề vì phải học trực tuyến kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần cả trước mắt lẫn lâu dài.
Tuy nhiên, những áp lực về học tập với các em trong một năm học có quá nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 vẫn còn.
Thời gian qua, khi chứng kiến hiện tượng một số tỉnh có học sinh tự tử vì áp lực học tập và một số nguyên do khác, Sở GD-ĐT đã khẩn trương ban hành chỉ đạo cho các phòng GD-ĐT địa phương, các cơ sở GD-ĐT chú trọng công tác nắm tình hình tâm lý học sinh, có kế hoạch dạy và học phù hợp để tránh tâm lý căng thẳng cho các em học sinh.
Vào thời điểm cuối năm học, mùa thi đang cận kề, phụ huynh cần có sự quan tâm, động viên con em mình học tập một cách phù hợp, tránh tâm lý buông lỏng nhưng cũng hết sức tránh tạo áp lực quá mức vì sẽ phản tác dụng, thậm chí có thể để lại những hệ quả khó lường.
TS tâm lý NGUYỄN THANH TÙNG, Giám đốc Viện Quản trị tri thức KMI:
Con trẻ cần tìm được hạnh phúc trong học tập
Thời gian qua, chúng ta phải chứng kiến những sự việc hết sức đau lòng, đó là có nhiều vụ việc học sinh tự vẫn, để lại những bức thư tuyệt mệnh đầy nước mắt. Những vụ việc này không chỉ khiến cha mẹ các em cảm thấy đau lòng mà đội ngũ những người làm giáo dục, cả xã hội thực sự cảm thấy rất xót xa.
Hiện vẫn còn không ít học sinh chưa tìm được hạnh phúc trong cuộc sống và học tập, việc học và những lựa chọn khác của các em thường bắt nguồn vì cha mẹ nhiều hơn vì chính các em. Các em phải học quá nhiều, không có thời gian trải nghiệm tuổi thơ. Ngay cả những lựa chọn bình thường nhất của cuộc sống cũng có sự can dự của cha mẹ, điều đó cho thấy sự thiếu tôn trọng của cha mẹ với các con. Cách tốt nhất để các em được tự do học tập, tự do lựa chọn và cha mẹ chỉ đóng vai trò định hướng, giúp con phát huy được sở trường và tránh được những sở đoản.
Hằng ngày, cha mẹ hãy trở thành người bạn của con thay vì bao bọc hay áp lực tư duy của mình lên con.
Em HỒ GIA HÂN, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa):
Nhiều lo lắng áp lực mùa thi cử
Em đã trải qua năm học cuối cấp với rất nhiều khó khăn khi cả học kỳ 1 vừa học trực tuyến vừa phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, những nỗi lo và áp lực ấy chưa hẳn đã hết. Phía trước em là mùa thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học đang đến gần, mùa thi quyết định đến tương lai của em ở phía trước.
Dù đã lựa chọn ngành nghề, trường đại học sẽ xét tuyển nhưng em vẫn còn lo lắng, áp lực. Những áp lực này không dễ chia sẻ với cha mẹ, thầy cô hay bạn bè. Điều em mong muốn nhất lúc này là tiếp tục nhận được sự chia sẻ, động viên của cha mẹ, thầy cô để có được tâm lý thoải mái nhất trước khi bước vào các kỳ thi.
Đặng Công (ghi)