Chú trọng liên kết sản xuất nông nghiệp

Với mục tiêu hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo phương thức liên kết có tiêu thụ sản phẩm.

Bước vào năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ các dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022. Theo đó, có 23 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng. Các dự án tập trung phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Cụ thể, huyện Bạch Thông và Na Rì, mỗi huyện 04 dự án; các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới, Ngân Sơn mỗi huyện 03 dự án; huyện Pác Nặm 02 dự án và TP. Bắc Kạn 01 dự án. Các hợp tác xã (HTX) được chọn hỗ trợ đều đã và đang thực hiện liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, có năng lực và hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực như: Chăn nuôi gà, chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn. Nhóm trồng trọt tập trung vào các sản phẩm rau cải, dưa chuột, bí xanh, dong riềng, quả mơ, dược liệu. Nhóm chế biến tập trung vào sản xuất, chế biến miến dong, bún, phở khô, thịt trâu khô… Các HTX được hỗ trợ những hạng mục như: Tư vấn xây dựng liên kết, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ giống, vật tư; hỗ trợ hạ tầng, máy móc…

Nông dân xã Trung Hòa (Ngân Sơn) thu hoạch cà rốt để giao cho đơn vị liên kết sản xuất.

Nông dân xã Trung Hòa (Ngân Sơn) thu hoạch cà rốt để giao cho đơn vị liên kết sản xuất.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm miến dong, curcumin nghệ, tinh bột nghệ, gạo Japonica, bí xanh, khoai tây, ớt, dược liệu, chăn nuôi lợn, gà… đều đạt hiệu quả cao, phát triển thành sản phẩm được tiêu thụ mạnh. Cùng với đó, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Nhiều cơ sở, HTX sản xuất theo chuỗi từ đầu tư liên kết với nông dân để trồng, chế biến, tiêu thụ nông sản trên thị trường. Quy trình khép kín này mang lại giá trị cuối cùng của sản phẩm.

Trong liên kết, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, vốn của doanh nghiệp, HTX để đầu tư phân bón, giống, kỹ thuật sản xuất... cho nông dân. Cuối vụ, nông dân bán nông sản cho doanh nghiệp, HTX sẽ chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, giá trị sản phẩm mà nông dân bán cho doanh nghiệp có liên kết thường theo giá trị hợp đồng hoặc theo giá thị trường. Đây thực sự là mô hình liên kết phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, khắc phục được hạn chế của kinh tế hộ, thuận lợi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành... tạo vùng nguyên liệu và đầu ra ổn định cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Đi đầu về mô hình liên kết là các hoạt động sản xuất rau cải, củ cải, quả mơ… để cung cấp cho Công ty TNHH Việt Nam MISAKI tại Khu Công nghiệp Thanh Bình để chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản; mô hình trồng nghệ nếp của người dân ở các huyện Pác Nặm, Na Rì và TP. Bắc Kạn, cung cấp cho HTX Nông nghiệp Tân Thành để sản xuất chế biến các sản phẩm từ nghệ, tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài nước; mô hình chăn nuôi gà ta, lợn đen bản địa để cung cấp cho HTX Trần Phú làm đầu mối tiêu thụ tại thị trường Hà Nội…

Có thể thấy, việc tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX đang thực hiện hiệu quả các mô hình liên kết là rất thiết thực, góp phần hỗ trợ, khích lệ phát triển sản xuất nông nghiệp; góp thêm sức mạnh, tạo động lực để các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản ngày càng phát triển vững chắc./.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202204/chu-trong-lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-f5b03ea/