Chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Hiện nay, huyện Tam Đường đang chú trọng nâng cao các tiêu chí tại 8 xã đã đạt nông thôn mới (NTM); đề nghị công nhận xã Sơn Bình đạt chuẩn NTM và duy trì 3 xã: Nà Tăm, Tả Lèng, Giang Ma cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu đó, huyện chú trọng tạo bước đột phá trong công tác lãnh, chỉ đạo; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cách trung tâm huyện hơn 7km, xã Bản Bo có tuyến quốc lộ 32 chạy qua, giao thông nông thôn thuận lợi. Sau khi đạt chuẩn NTM năm 2015, xã nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.
Để đạt kết quả trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bản Bo không ngừng phấn đấu; tranh thủ nguồn lực của tỉnh, huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững. Xã chú trọng thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới phù hợp, hiện đại. Đồng thời, nâng cấp, cứng hóa thêm 12,12km đường trục chính nội đồng; xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2; xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao xã. Lồng ghép nguồn lực, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, dự án phát triển sản xuất, các mô hình giảm nghèo. Tuyên truyền, vận động người dân thu gom rác thải nguy hại vào các bể chứa; xây dựng thêm các bể chứa và có phương án xử lý theo quy định. Năm 2024, xã Bản Bo phấn đấu đạt thêm 6 tiêu chí NTM nâng cao.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Đèo Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: “Để đạt chuẩn NTM nâng cao, xã nỗ lực tạo đột phá về mọi mặt; trong đó chú trọng vận động nhân dân sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng liên kết sản xuất và chăn nuôi trang trại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xã có trên 200 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia súc quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động nông thôn tham gia trồng, sản xuất, chế biến chè, sắn dây, lúa hàng hóa. Ngoài ra, xã còn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư chỉnh trang nhà ở, sân, vườn, cổng, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp, chung tay xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu”.

Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân xã Bản Bo (huyện Tam Đường) tạo nguồn thu nhập bền vững.

Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân xã Bản Bo (huyện Tam Đường) tạo nguồn thu nhập bền vững.

Qua thực tiễn triển khai cho thấy, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Sơn Bình đã xác định rõ vai trò chủ thể, những nhiệm vụ trọng tâm, kế hoạch và lộ trình xây dựng NTM. Nhờ nỗ lực đổi mới phương thức lãnh, chỉ đạo, dân vận của cả hệ thống chính trị địa phương, nhân dân đã tự giác thay đổi tư duy trong sản xuất, tự lực vươn lên, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện, thu nhập bình quân đạt trên 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn hằng năm giảm từ 5 - 7%/năm. Ngoài ra, còn rất nhiều tiêu chí nhờ có sự chung sức của nhân dân cũng đã đảm bảo theo quy định. Huyện đã đề nghị tỉnh công nhận xã Sơn Bình đạt chuẩn NTM trong năm 2024.
Ông Hạng A Linh ở bản Nậm Dê (xã Sơn Bình) tâm sự: “Nhờ sự hướng dẫn, tuyên truyền của cán bộ xã, bản, tôi và dân bản hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò trong xây dựng NTM. Từ đó, gia đình tôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình bền vững thay cho sản xuất nhỏ lẻ trước đây. Tôi tích cực đóng góp tiền, ngày công làm đường nội bản, tu sửa mương thủy lợi, sửa chữa nhà văn hóa”.
Khai thác lợi thế về nông nghiệp, huyện Tam Đường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã rà soát, xác định vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao. Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Đến nay, toàn huyện đã có 6 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao và 26 sản phẩm OCOP 3 sao. Người dân thay đổi tư duy, tiếp cận về phương thức sản xuất, kinh doanh, thụ hưởng các dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, hướng tới xây dựng NTM thông minh. Đặc biệt, nhiều hộ dân, hợp tác xã, chủ thể OCOP ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng trên các website, sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm.
Đồng chí Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Để tạo bước đột phá mới trong xây dựng NTM, hiện nay, huyện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước xây mới, sửa chữa, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sơ, chế biến sản phẩm; khuyến khích đổi mới thiết bị và công nghệ chế biến theo hướng sử dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm được chế biến sâu, có bao bì, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, xúc tiến thương mại, gắn kết du lịch với giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản hàng hóa, từng bước thúc đẩy, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nhân dân”.

Xây dựng NTM với nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Tam Đường trong thời gian qua. Nổi bật là năm 3023, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực 41.550 tấn, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,57%, đạt 117% kế hoạch; giải quyết việc làm cho 2.023 người, đạt 175,9% kế hoạch; số lao động được đào tạo trong năm đạt 1.156 người, đạt 103,7% kế hoạch. Trong tổng số 9 tiêu chia xây dựng huyện NTM, huyện Tam Đường đã đạt 3 tiêu chí, gồm: Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công. Trong năm 2024, huyện phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí, đó là quy hoạch; kinh tế; chất lượng môi trường sống.

T.M

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/n%C3%B4ng-th%C3%B4n-m%E1%BB%9Bi/ch%C3%BA-tr%E1%BB%8Dng-n%C3%A2ng-cao-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-c%C3%A1c-ti%C3%AAu-ch%C3%AD-n%C3%B4ng-th%C3%B4n-m%E1%BB%9Bi