Chú trọng nâng cao chất lượng dân số ở huyện Hướng Hóa

Huyện Hướng Hóa thời gian qua đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới. Nhờ vậy, quy mô dân số trên địa bàn từng bước ổn định, chất lượng dân số không ngừng được cải thiện, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hướng Lộc tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại -Ảnh: M.L

Cán bộ Trạm Y tế xã Hướng Lộc tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại -Ảnh: M.L

Hướng Hóa là huyện miền núi, có 3 dân tộc sinh sống chủ yếu: Vân Kiều, Pa Kô và Kinh. Địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt nên công tác tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) gặp không ít khó khăn. Vì vậy, những năm qua, mức sinh ở huyện còn cao, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 29,5%, tình trạng tảo hôn vẫn còn...

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, huyện tích cực thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó xác định mục tiêu trước mắt là tập trung cho giảm sinh và từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Phụ trách Phòng Dân số - Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa Hoàng Thị Phương Nhi cho biết: “Xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng dân số, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng với nhiều nội dung, hình thức phong phú nhằm chuyển đổi hành vi của người dân. Trong đó, tập trung vào những địa bàn và đối tượng cụ thể, nhất là vùng có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua các hoạt động nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn tại hộ gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh việc duy trì và nhân rộng các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số và mở rộng việc cung cấp các dịch vụ, CSSKSS/ KHHGĐ”.

Chương trình điều chỉnh mức sinh được tập trung thực hiện thông qua Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ Dân số - KHHGĐ đã triển khai tại 17 xã, trong đó có 14 xã vùng đồng bào DTTS. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành chiến dịch, với kết quả thực hiện các gói dịch vụ trong chiến dịch biện pháp tránh thai dài hạn đạt 114%; biện pháp tránh thai ngắn hạn đạt 99,3%; khám phụ khoa đạt 82,9%; điều trị phụ khoa đạt 60%; tư vấn tiền hôn nhân đạt 100%; tư vấn sàng lọc trước sinh, sơ sinh đạt 97,2%.

Huyện thực hiện quản lý, cung ứng kịp thời phương tiện tránh thai, cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho đối tượng miễn phí từ nguồn trung ương cấp và thực hiện miễn phí chi phí dịch vụ KHHGĐ cho đối tượng theo quy định của Nghị quyết 45/2020/NQ-HĐND tỉnh.

Xây dựng mô hình “Thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên”, năm 2024 Hướng Hóa có 12 xã phát động thực hiện mô hình. Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện tổ chức 7 hội nghị chuyên đề cung cấp thông tin về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy và phổ biến các quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và nam, nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn.

Chương trình tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số được huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện như: triển khai các hoạt động truyền thông can thiệp tại cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số vận động trực tiếp tại hộ gia đình. Duy trì cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho đối tượng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Đẩy mạnh dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh qua kênh xã hội hóa.

Chị Hồ Thị Tỷ, thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi chia sẻ: “Khi mang thai tôi được nhân viên y tế xã tư vấn đi sàng lọc để biết được con mình có hoàn toàn phát triển bình thường hay không. Ngay sau khi sinh em bé, con tôi được cán bộ y tế lấy máu gót chân để xét nghiệm một số bệnh theo tư vấn của bác sĩ. Gia đình tôi rất mừng khi biết kết quả con khỏe mạnh”.

Một trong những đề án mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số mà huyện duy trì và phát triển là mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”. Hiện 14 câu lạc bộ (CLB) “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” với khoảng 560 cụ trên địa bàn duy trì sinh hoạt hiệu quả. Từ đầu năm 2024 đến nay, Huyện tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép khám sức khỏe cho người cao tuổi tại 7 xã vùng đồng bào DTTS với khoảng 1.913 người cao tuổi tham gia. Việc duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình CLB “Tiền hôn nhân” được coi trọng. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 6 CLB “Tiền hôn nhân” thu hút hơn 250 nam/nữ thanh niên tham gia sinh hoạt.

Nâng cao chất lượng dân số sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Vì vậy, thời gian tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác dân số và phát triển, đưa công tác dân số trở thành một nội dung trọng tâm trong hoạt động của địa phương.

Đồng thời, đổi mới công tác truyền thông cả nội dung lẫn hình thức và cách tiếp cận phù hợp từng nhóm đối tượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, tập trung thực hiện các giải pháp giảm mức sinh thông qua việc duy trì mô hình “Làng không có người sinh con thứ 3 trở lên”, cung cấp dịch vụ KHHGĐ góp phần giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số, nhất là tại các vùng đông dân có mức sinh cao, vùng đồng bào DTTS.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chu-trong-nang-cao-chat-luong-dan-so-o-huyen-huong-hoa-188182.htm