Đảm bảo nguồn cung lợn thịt, gia cầm cho Tết Nguyên đán
Theo thông lệ cứ tới gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ về lợn thịt, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng cao. Các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp với đơn vị chăn nuôi, người dân kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị nguồn cung cho thị trường, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, các địa phương tại Thanh Hóa đã phân công lực lượng triển khai giám sát dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, hóa chất nhằm ứng phó kịp thời, dập tắt các ổ dịch ngay khi mới bắt đầu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Cao Văn Cường cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng mưa, lũ đã xảy ra tình trạng gia súc gia cầm bị cuốn trôi, môi trường bị ảnh hưởng... khiến nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan rất cao.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.
Các địa phương đã rà soát tổng đàn để quản lý công tác tiêm phòng. Bên cạnh đó, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất... nhất là đối với các trang trại lợn cần kiểm soát chặt chẽ nhân công ra vào khu nuôi, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, những tháng cuối năm, cùng với việc hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 2, người chăn nuôi cần tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm.
Nhất là đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương cần chú trọng phân công lực lượng triển khai giám sát dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, hóa chất sát trùng, vôi bột... để ứng phó kịp thời, dập tắt các ổ dịch ngay khi mới xảy ra trong diện hẹp; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc-xin, không bán chạy, vận chuyển gia súc gia cầm và sản phẩm bị bệnh.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh động vật đã cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khá cao, do giám sát cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương.
Tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế. Mặt khác, thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh.
Để chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, bùng phát và lây lan trên địa bàn xã, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững; yêu cầu các đơn vị thôn, các ngành có liên quan tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 18/7/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.
Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.
Theo thống kê, hiện Thanh Hóa có tổng đàn gia cầm trên 26 triệu con; đàn lợn trên 1,4 triệu con và đàn trâu, bò trên 440 nghìn con. Hàng năm toàn tỉnh có sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 300 nghìn tấn, trên 310 triệu quả trứng.
Với sản lượng này, ngoài việc cung cấp đủ nhu cầu thực phẩm trong tỉnh, còn phải xuất bán khoảng 25% sản lượng ra ngoài tỉnh, kể cả thời điểm cuối năm. Cùng với các biện pháp tái đàn, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch trong chăn nuôi để hạn chế thấp nhất rủi ro. Đảm bảo nguồn cung an toàn cho dịp Tết Nguyên đán.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/dam-bao-nguon-cung-lon-thit-gia-cam-cho-tet-nguyen-dan-457522.html