Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của toàn ngành, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước có chuyển biến tích cực.
Số lượng người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp từ năm 2016 đến nay ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập ổn định.
Nhiều giải pháp được triển khai
Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tỉnh Bắc Giang đã tích cực, chủ động đổi mới các chương trình đào tạo theo hướng tăng kỹ năng nghề cho người học, quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người học; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xây dựng và đổi mới nội dung chương trình đào tạo; tạo điều kiện cho người học nghề được thực tập thực tế tại các doanh nghiệp. Nội dung chương trình theo từng ngành nghề và trình độ đào tạo được xây dựng, phê duyệt và cập nhật bổ sung hằng năm phù hợp, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đổi mới quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận, nâng cao tay nghề, từng bước tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến, khu vực ASEAN và quốc tế. Xây dựng các trường chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm cấp quốc tế, khu vực và quốc gia.
Giờ học thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang.
Cùng với đó, tỉnh đặc biệt chú trọng củng cố và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Từng bước chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo nhất là nhà giáo tham gia giảng dạy các nghề trọng điểm; tạo điều kiện cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho các nhà giáo tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp... Hiện nay, toàn tỉnh có 1.061 nhà giáo, trong đó: trình độ trên đại học chiếm 20,3%; trình độ đại học và cao đẳng chiếm 64,8%; trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 14,9%. Có 1.005 nhà giáo cơ hữu, chiếm 94,7% và 100% nhà giáo tại các trường cao đẳng, trung cấp đạt chuẩn theo quy định.
Những kết quả ấn tượng
Với việc triển khai mạnh mẽ các giải pháp trong giáo dục nghề nghiệp, những năm qua, chất lượng và số lượng học sinh được đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng được khẳng định, từng bước tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế. Trung bình mỗi năm các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đào tạo nghề ở 03 cấp trình độ là 35.875 người với 109 ngành nghề, lĩnh vực khác nhau (tăng 6.095 người so với quy mô năm 2015); trong đó, trình độ cao đẳng là 1.330 người/năm, trình độ trung cấp là 5.005 người/năm và trình độ sơ cấp là 29.540 người/năm.
Tỷ lệ người học sau khi tốt nghiệp có việc làm sau đào tạo cao, cụ thể: trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp đạt trên 90%, trình độ sơ cấp và đào tạo thương xuyên đạt trên 80%. Đối với trình độ cao đẳng của một số ngành nghề trọng điểm như Điện tử công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô... tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới, xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo tiếp cận với công nghệ hiện đại; tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho việc phát triển các cơ sở GDNN ngoài công lập…
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-trong-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-post94372.html