Chú trọng quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ
Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) được xem là một trong những khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, với số lượng cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, cơ sở giết mổ quy mô nhỏ lẻ nằm cách xa nhau, lực lượng làm công tác kiểm soát giết mổ còn mỏng... đó là những hạn chế khiến công tác quản lý các điểm giết mổ GSGC tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn.
Hoạt động giết mổ gia cầm tập trung tại Công ty CP Thực phẩm Viet Avis, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa).
Huyện Nga Sơn có 50 cơ sở giết mổ GSGC được cấp phép hoạt động. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt GSGC; công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh vi phạm trên các phương tiện thông tin để người dân biết và tránh mua phải thịt từ động vật chết, mắc bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tại các cơ sở và xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm trong hoạt động giết mổ GSGC. Tại cơ sở giết mổ GSGC xã Nga Điền, anh Phạm Văn Phụng, thôn 1 cho biết: Được UBND xã hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất nên cơ sở của tôi luôn chú trọng đầu tư bàn, ghế, dụng cụ giết mổ đạt tiêu chuẩn, đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Đối với GSGC được nhập từ các trang trại lớn, có giấy tờ kiểm dịch; định kỳ tiến hành phun tiêu độc, khử trùng để thực hiện phòng, chống dịch bệnh...
Tuy nhiên, theo ông Đào Tuấn Thiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Các cơ sở đều có quy mô nhỏ, số lượng GSGC giết mổ còn ít, doanh thu không lớn nên chưa chú trọng đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại, hệ thống xử lý nước thải... Bên cạnh đó, do đặc thù hoạt động giết mổ lúc nửa đêm và kết thúc vào sáng sớm nên đối với lực lượng thú y cơ sở còn mỏng cũng khó tiếp cận.
Thực tế hiện nay, bên cạnh các cơ sở giết mổ GSGC được cấp phép hoạt động thì cũng có không ít các điểm giết mổ tự phát tại các khu dân cư, chợ... không đăng ký hoạt động kinh doanh nên khó có thể truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi, chưa quan tâm đến công tác kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại các điểm này, hầu hết trang thiết bị không được khử trùng trước và sau giết mổ, không thu gom chất thải rắn sau khi giết mổ, không có sổ ghi chép nguồn gốc và số lượng GSGC đưa vào giết mổ, nước thải xả thẳng ra môi trường... Mặt khác, các cơ sở giết mổ tập trung không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, công suất giết mổ giảm nhưng vẫn phải gánh chi phí vận hành, chi phí giết mổ cao nên giảm tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung còn nhiều vướng mắc trong chính sách, quỹ đất, vốn đầu tư... Đồng thời, do nhận thức, thói quen của người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm đã tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm duy trì hoạt động.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.422 cơ sở giết mổ GSGC, trong đó, hầu hết là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, có 100% số cơ sở giết mổ thực hiện ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, 72% số cơ sở giết mổ được thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm soát giết mổ khoảng 4.200 con trâu, bò, 69.104 con lợn, 1.385.480 gia cầm... Tổ chức lấy 40 mẫu swab trực tràng lợn tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa; kiểm tra 33 cơ sở giết mổ GSGC, lấy 100 mẫu nước tiểu lợn trước khi giết mổ để test nhanh kiểm tra chất cấm, kết quả 100/100 mẫu nước tiểu đã lấy kiểm tra bằng test nhanh đều cho kết quả âm tính với salbutamol. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm 10 cơ sở vi phạm hoạt động giết mổ GSGC.
Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp xóa bỏ các điểm giết mổ tự phát, nhất là tại các chợ... Đồng thời, chú trọng xây dựng các mô hình giết mổ GSGC bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức cho các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Các địa phương kiện toàn, củng cố ban chỉ đạo kiểm soát giết mổ GSGC, phân công trách nhiệm cho các thành viên để nghiêm túc kiểm tra, rà soát chặt chẽ và kiên quyết đóng cửa, xử phạt đối với các điểm, cơ sở giết mổ GSGC có giấy phép nhưng vi phạm quy định về vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung.