Chú trọng quản lý thị trường hàng hóa sau mưa bão, lũ

Đợt bão số 3 và lũ lớn sau bão đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, công trình hạ tầng, đặc biệt là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở hầu hết các huyện, thành phố. Đây là điều kiện tiềm ẩn nguy cơ tiểu thương lợi dụng thiên tai, khó khăn, khan hiếm hàng hóa trà trộn hàng hóa kém chất lượng hoặc găm hàng, tăng giá bán để trục lợi người tiêu dùng đối với nhóm hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và nguyên phụ liệu phục hồi sản xuất. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình huống này, các ngành chức năng chủ động tăng cường lực lượng giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiên quyết không để xảy ra các vi phạm gian lận thương mại, lợi dụng tình hình vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại được chuẩn bị phong phú, đầy đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại được chuẩn bị phong phú, đầy đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định đã tập trung lực lượng, trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý những yếu tố làm bất ổn thị trường, thiệt hại đến kinh tế, sức khỏe, tâm lý của người tiêu dùng. Các đội nghiệp vụ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý địa bàn với trọng tâm là những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng vật tư phục vụ phòng, chống mưa bão ở cả thị trường truyền thống và trên không gian mạng. Chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường; tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình thiên tai, mưa bão để buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, các hành vi đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm hàng hóa nhằm trục lợi bất hợp pháp; đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nước uống, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị, đồ gia dụng... Đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực giá, không đầu cơ hàng hóa, găm hàng tạo khan hiếm giả nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; thông báo số điện thoại đường dây nóng tại các trung tâm mua sắm, chợ đầu mối để tiếp nhận thông tin phản ánh, kịp thời xử lý vi phạm. Cục QLTT Nam Định đã tổ chức các đoàn công tác đi giám sát tình hình thị trường sau bão tại một số chợ, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và một số cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Qua giám sát, đoàn công tác đã làm việc và quán triệt yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo duy trì đủ nguồn cung hàng hóa, không lợi dụng thiên tai, bão lũ để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; hàng hóa kinh doanh phải rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, đầy đủ nhãn hàng hóa... theo đúng quy định của pháp luật. Từ nửa cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 2024, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 57 lượt, xử lý 29 vụ việc (31 hành vi) vi phạm liên quan đến điều kiện lưu thông hàng hóa, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Số tiền nộp ngân sách Nhà nước gần 120 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 86 triệu đồng...

Cùng với lực lượng QLTT, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết thị trường. Đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại, thương nhân phân phối, đơn vị kinh doanh bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng thêm dự trữ lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, gạo, nước uống, thực phẩm chế biến; xăng dầu, LPG và các vật tư, phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất; phối hợp điều hành giá, kiểm tra, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Nhờ tăng cường công tác quản lý, bình ổn thị trường nên đến thời điểm này, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hàng hóa gồm lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu vẫn đảm bảo đủ nguồn cung để phục vụ nhu cầu của người dân với giá cả ổn định, riêng một số mặt hàng rau xanh có biến động tăng giá nhẹ; chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... Theo cơ quan chức năng, trong thời gian tới, bên cạnh diễn biến bất thường của thời tiết, việc khắc phục hậu quả sau bão có thể dẫn tới những biến động cung cầu tăng với một số mặt hàng. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thiên tai để trục lợi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, hệ thống cửa hàng bán lẻ và địa điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong thời gian xảy ra thiên tai, bão lũ như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, LPG và các vật tư, phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh... Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, thu gom hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý để trục lợi.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/chu-trong-quan-ly-thi-truong-hang-hoa-sau-mua-bao-lu-f834edc/