Chú trọng tiếp dân, đối thoại với dân

Công tác tiếp dân, gặp gỡ, đối thoại với nhân dân thời gian qua được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Thực hiện Quyết định số 728-QĐ/TU ngày 12-9-2014 của Ban TVTU về quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền ở địa phương các cấp trong tỉnh với nhân dân, trong năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy đã có 2 buổi đối thoại với nhân dân trong vùng ảnh hưởng bởi dự án trọng điểm của tỉnh (đối thoại với 150 hộ dân trong khu vực mở rộng đường T1 và T2 giao thông kết nối giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành với quốc lộ 51 (H.Long Thành) và với 250 người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa, H.Long Thành đại diện các hộ dân thuộc diện di dời của dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu). Các buổi đối thoại có 57 phiếu ý kiến, lượt phát biểu phản ảnh, kiến nghị của các hộ dân liên quan đến những nhóm vấn đề về giá đền bù, xét tái định cư, hỗ trợ di dời chỗ ở, kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp…

11/11 huyện, thành phố đã tổ chức 23 hội nghị đối thoại giữa đồng chí bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND huyện, thành phố với cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cấp xã có 170/170 xã, phường, thị trấn tổ chức 251 hội nghị đối thoại giữa đồng chí bí thư Đảng ủy và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh còn tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại khác như: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã gặp gỡ bí thư, chủ tịch UBND 170 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh để trao đổi những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đối thoại với thanh niên với chủ đề “Xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao”; lãnh đạo UBND tỉnh đối thoại với nông dân, nhà khoa học, quản lý trao đổi, thảo luận về giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp…

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được quan tâm chỉ đạo. Bước đầu thực hiện người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sắp xếp thời gian tiếp công dân 60 phút đầu mỗi ngày làm việc để lắng nghe, xử lý các kiến nghị của người dân. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức tiếp 9.849 lượt/11.970 người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị (tăng 1.883 lượt). Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 28-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân đúng quy định, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp 13 lượt công dân; bí thư cấp ủy các cấp tiếp 2.356 lượt với 3.042 người (tăng 743 lượt, tăng 46% so với năm 2022).

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ của tỉnh, năm 2023, dù tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn song nhờ tích cực tiếp dân, đối thoại với dân, cấp ủy, chính quyền các cấp đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đưa ra được các giải pháp giải quyết kịp thời đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. Thông qua tiếp dân, đối thoại với dân còn giúp giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền các cấp, hình thành thói quen tiếp dân khi dân cần, không phải đợi đến khi có lịch phân công theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202312/chu-trong-tiep-dan-doi-thoai-voi-dan-7db5dc8/