Chú trọng trồng rừng thay thế

Ðể bù đắp diện tích rừng phải chuyển đổi sang mục đích khác, tỉnh tổ chức trồng rừng thay thế bằng nguồn kinh phí thu từ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Là một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình trồng rừng thay thế, huyện Mường Khương đã rà soát quỹ đất, tổ chức họp dân, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng ngay sau khi kế hoạch của tỉnh được ban hành.

Kiểm tra diện tích rừng trồng thay thế tại huyện Bắc Hà.

Kiểm tra diện tích rừng trồng thay thế tại huyện Bắc Hà.

Ông Đoàn Doanh Tiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Khương cho biết: Trên địa bàn huyện có một số diện tích rừng được chuyển đổi mục đích sang các dự án công cộng, kinh tế, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ che phủ rừng. Thực hiện dự án trồng rừng thay thế, huyện triển khai trồng 2 loại rừng: Rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Loại cây được lựa chọn là trẩu, thông mã vĩ vì đây là những cây trồng bản địa phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Cây giống được tuyển chọn kỹ, có chất lượng cao, công tác chăm sóc và bảo vệ được chú trọng nên tỷ lệ cây sống đạt hơn 80%. Bên cạnh đó, với chủ trương Nhà nước đầu tư cây giống, phân bón, hỗ trợ bằng tiền công trồng và chăm sóc trong 7 năm đã tạo động lực cho người dân nên tiến độ trồng rừng thay thế nhanh hơn một số dự án khác. Kết quả là từ năm 2017 đến nay, huyện trồng được 28,2 ha tại xã Lùng Khấu Nhin và xã Lùng Vai.

Theo quy định hiện hành, khi chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác bắt buộc phải trồng rừng thay thế với diện tích tối thiểu bằng diện tích rừng đã chuyển mục đích. Từ năm 2013 đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 59 công trình, dự án thuộc đối tượng phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chủ yếu là các dự án, công trình thuộc lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, tái định cư... Ðể triển khai các công trình, dự án này, cơ quan chức năng đã cho phép chuyển đổi hơn 412 ha đất lâm nghiệp có rừng, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế.

Theo đó, đối với kinh phí trồng rừng thay thế, UBND tỉnh đã bố trí, giao chỉ tiêu, kế hoạch hằng năm trồng rừng thay thế với tổng diện tích gần 1.385 ha. Đến nay, các địa phương, chủ dự án đã hoàn thành diện tích trồng rừng thay thế được giao.

Tuy nhiên, công tác trồng rừng thay thế vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Qua khảo sát thực tế tại một số địa điểm, tỷ lệ cây chết còn cao, trong khi đó việc trồng dặm để đảm bảo mật độ chưa kịp thời. Một số địa phương chọn giống cây chưa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cây sinh trưởng yếu. Khâu chăm sóc sau trồng còn lơ là, chưa chú trọng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Cá biệt, có những diện tích rừng không làm cỏ, để thực bì, cỏ dại và dây leo phát triển quá tốt làm chèn ép cây trồng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng chưa hiệu quả.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Do diện tích đất trồng rừng thay thế chủ yếu ở những vị trí xa dân cư, đi lại khó khăn, vận chuyển cây giống thủ công mất thời gian cộng với chất đất xấu đã ảnh hưởng đến tỷ lệ cây sống sau trồng. Thời tiết diễn biến phức tạp (rét đậm, rét hại, mưa tuyết, khô hạn kéo dài) ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng rừng, tỷ lệ cây sống thấp. Một số nơi có diện tích manh mún gây khó khăn cho việc khảo sát, thiết kế, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc và tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện của một số địa phương, chủ đầu tư chưa sâu sát. Việc xây dựng hồ sơ thiết kế ở một số diện tích không sát với thực tế, còn xảy ra tình trạng thả rông gia súc trong khu vực rừng trồng. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn và chính quyền xã trong việc tổ chức trồng rừng theo kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, các địa phương, chủ dự án chưa đánh giá kỹ hiện trạng rừng để có phương án trồng hiệu quả, một số diện tích có nhiều cây bản địa mọc tự nhiên phát triển rất tốt nhưng lại bị phát trắng để trồng một số loại cây có khả năng sinh trưởng yếu, không thích nghi…

Để công tác trồng rừng thay thế đạt kết quả tốt, trong thời gian tới, các địa phương và chủ dự án cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương trồng rừng thay thế; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân ngay từ ban đầu, ràng buộc các đơn vị thi công phải sử dụng lao động địa phương ngay từ giai đoạn trồng đến chăm sóc, quản lý và thực hiện giao nhận khoán bảo vệ rừng. Tổ chức đánh giá tổng thể diện tích đã trồng rừng thay thế. Đối với diện tích có tỷ lệ cây sống thấp, phát triển không hiệu quả, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, cần khẩn trương trồng dặm loại cây thích hợp nhằm đảm bảo về mật độ theo thiết kế kỹ thuật, khả năng sinh trưởng đồng đều giữa các loại cây trên cùng diện tích. Đối với diện tích sắp triển khai trồng rừng thay thế, cần khảo sát, chọn địa điểm, lập hồ sơ thiết kế đảm bảo theo quy định; ưu tiên lựa chọn giống cây bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại địa phương…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/345578-chu-trong-trong-rung-thay-the