Chú trọng vào những nội dung có nhiều vướng mắc, khiếu kiện
Cùng với các địa phương trên cả nước, những ngày này, Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đang sôi nổi thảo luận và tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bảo Yên lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):
Để phát huy dân chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, tạo thống nhất, đồng thuận trong Nhân dân, UBND huyện Bảo Yên đã ban hành kế hoạch với các nội dung hướng dẫn cụ thể. Trong đó, UBND huyện chỉ đạo việc lấy ý kiến Nhân dân phải toàn diện, nhưng chú trọng những nội dung thường xuyên điều chỉnh tại địa phương, nội dung có nhiều vướng mắc, khiếu kiện; xác định hình thức cụ thể phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến.
Ông Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên cho biết: Theo hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, các tầng lớp Nhân dân thảo luận, tham gia ý kiến vào các nội dung trọng tâm như: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua tổng hợp bước đầu tại các địa phương, người dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung tham gia góp ý vào các nội dung liên quan đến hỗ trợ đất tái định cư, thời hạn giao đất, cho thuê đất, thẩm quyền giải quyết đất đai...
Như đối với Khoản 3, Điều 150, người dân có ý kiến đề nghị xem xét sửa đổi: Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất là khi có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và thời điểm ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Người dân đề nghị xem xét sửa đổi UBND cấp tỉnh quyết định thành UBND cấp huyện quyết định. Đề nghị bổ sung nội dung: Đất rừng do UBND cấp xã quản lý, công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định và được UBND cấp xã xác nhận là không có tranh chấp.
Người dân cũng đề nghị Khoản 1, Điều 225 xem xét giữ nguyên nội dung theo Điều 202 Luật Đất đai năm 2013. Lý do khi có tranh chấp đất đai nên giải quyết từ cơ sở để phát huy vai trò của tổ hòa giải cơ sở và những người có uy tín tại cộng đồng dân cư. Nếu chuyển luôn lên cơ quan tòa án giải quyết sẽ mất nhiều thời gian xác minh do không thể nắm rõ được như cơ sở, từ đó có thể phát sinh các mâu thuẫn, phức tạp do không được giải quyết kịp thời.
Với tinh thần phát huy trí tuệ tập thể toàn dân tham gia góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), huyện Bảo Yên cũng chỉ đạo tùy từng điều kiện cụ thể ở địa phương có thể góp ý theo cụm thôn, bản hoặc góp ý ở từng thôn, tạo thuận lợi nhất để người dân bày tỏ ý kiến, phát huy quyền làm chủ của mình.