Chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm hàng tiêu dùng

Với gần 4 triệu dân, nhu cầu sản phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là khá lớn. Tuy nhiên, thực tế hàng tiêu dùng của tỉnh lại chiếm thị phần khá thấp trên 'sân nhà'. Bên cạnh lý do chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất thì một trong những nguyên nhân quan trọng là việc xây dựng, phát triển thương hiệu hàng tiêu dùng chưa thực sự được chú trọng.

Sản phẩm nước mắm Cự Nham (Quảng Xương) được đầu tư xây dựng thành công thành sản phẩm OCOP năm 2021.

Sản phẩm nước mắm Cự Nham (Quảng Xương) được đầu tư xây dựng thành công thành sản phẩm OCOP năm 2021.

Trong các sản phẩm nông nghiệp, lúa gạo là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sản lượng lúa gạo của tỉnh đạt 1,36 triệu tấn/năm, đáp ứng tốt nhu cầu lương thực tiêu dùng trên địa bàn tỉnh (khoảng 700.000 tấn/năm). Nhiều giống lúa chất lượng cao cũng được lựa chọn đưa vào bộ giống trong cơ cấu mùa vụ. Tuy nhiên, tại các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện ích, các khách sạn, nhà hàng, hoặc tại một số địa bàn đô thị, các loại gạo có nguồn gốc xuất xứ trong tỉnh cạnh tranh khá yếu. Nhiều người tiêu dùng vẫn ưa chuộng gạo có nguồn gốc tỉnh ngoài như: Nam Định, Thái Bình, Bến Tre...

Cũng theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm từ tỉnh khác, thì có tới 363.000 tấn lúa gạo sản xuất trong tỉnh được mua bán trao đổi trên thị trường tự do. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng này là do trên địa bàn tỉnh mới thu hút được 9 doanh nghiệp tham gia thu mua, chế biến sản phẩm lúa gạo, thực hiện được các quy trình chế biến, bao gói bảo đảm chất lượng, cũng như xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tiến hành quảng bá để tăng niềm tin cho người tiêu dùng.

Ngoài lúa gạo, các sản phẩm từ ngành nghề chế biến thủy hải sản cũng là một trong những lợi thế của tỉnh Thanh Hóa, trong đó, nước mắm là một sản phẩm tiêu dùng đặc trưng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của sản phẩm nước mắm xứ Thanh là bắt tay vào việc đầu tư thương hiệu muộn, khi mà nhiều thương hiệu nước mắm lớn đã khẳng định được vị trí trên thương trường và chiếm được thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài thương hiệu nước mắm Thanh Hương do doanh nghiệp (DN) đầu tư và định vị thương hiệu từ lâu, thì một số sản phẩm nước mắm truyền thống chỉ thực sự chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng các bộ nhận diện khi chương trình OCOP được khởi động. Tuy nhiên, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, chiến dịch truyền thông, quảng bá thương hiệu các sản phẩm này cũng chưa được thực hiện bài bản. Chính vì vậy, tỷ lệ hàng hóa có mặt trên các kệ siêu thị, nhà hàng vẫn chưa cao. Trong khi đó, hàng chục sản phẩm nước mắm của nhiều thương hiệu khác nhau lại “chen chân” mạnh mẽ.

Theo số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 400 văn bằng bảo hộ được cấp cho các DN, cơ sở kinh doanh, bao gồm đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp sáng chế. Ngoài ra, còn có hàng chục sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trong đó, có 4 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh địa phương, gồm mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn (Thọ Xuân), quế Ngọc (Thường Xuân); 23 sản phẩm được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, như nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, tơ Hồng Đô, nón lá Trường Giang, bánh gai Tứ Trụ, kẹo nhãn Lang Chánh, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương Làng Ái...; hàng trăm sản phẩm của các DN sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu.

Tuy nhiên, so với sự đa dạng về chủng loại sản phẩm và tốc độ phát triển khá nhanh của các DN, làng nghề, HTX, cơ sở sản xuất trong tỉnh, thì việc đăng ký xây dựng bảo hộ thương hiệu hàng hóa tiêu dùng vẫn còn quá ít. Nhiều mặt hàng vẫn xuất khẩu theo tiểu ngạch và phần lớn thông qua các DN trung gian khác. Nhiều cơ sở sản xuất vẫn duy trì cung cách sản xuất, kinh doanh theo kiểu “ăn xổi” mà chưa tính đến chiến lược kinh doanh bài bản, dài hơi, không ít chủ thể chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đây là điểm yếu và cũng là thực trạng chung của sản phẩm hàng tiêu dùng Thanh Hóa.

Được biết, từ năm 2003, Việt Nam đã khởi xướng “Chương trình thương hiệu quốc gia”. Trước đó, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20-4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời quy tụ, khơi dậy nỗ lực của các ngành, cấp và nhiệt huyết của cộng đồng DN trong công cuộc xây dựng thương hiệu DN nói riêng và thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 được Bộ Công Thương xác định mục tiêu: Đến năm 2030 sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam; mỗi năm tăng 10% số lượng DN được vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng DN trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/chu-trong-xay-dung-phat-trien-thuong-hieu-san-pham-hang-tieu-dung/28077.htm