Chủ trương hợp tình, hợp lý, thiết thực
Từ chiến đấu viên đến chỉ huy các cấp ở Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1, Binh chủng Đặc công đều bày tỏ niềm vui và hy vọng đề xuất 'ưu đãi lương hưu với nhóm làm nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang' sẽ được thông qua. Nếu trở thành hiện thực, chính sách này còn góp phần giải quyết tốt tư tưởng của bộ đội, thu hút nguồn lực chất lượng cao vào lực lượng vũ trang, nhất là với nhóm công việc có tính chất đặc biệt.
Ở tuổi 42, sau 24 năm nhập ngũ, Đại úy QNCN Nguyễn Văn Chiểu, Đội 7 Đặc công Biệt động chống khủng bố (Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1) vẫn leo nhà cao tầng thoăn thoắt theo dây chống sét. Chỉ khoảng 1 phút, anh đã chinh phục được căn nhà 6 tầng, cao khoảng 20m; chạy 1.500m vũ trang khoảng 6 phút... Nhờ duy trì lối sống khoa học, tích cực rèn luyện ngoài giờ nên anh Chiểu là một trong số rất ít những chiến đấu viên cùng độ tuổi còn công tác.
Tính chất nhiệm vụ của lực lượng đặc công đặt ra những đòi hỏi rất cao về mọi mặt, nhất là thể lực, trí lực đối với đội ngũ chiến đấu viên. Vì vậy, suốt từ khi nhập ngũ đến ngày nghỉ hưu, họ phải thường xuyên huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ với cường độ rất cao, trong điều kiện khắc nghiệt, dễ chấn thương, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Cũng vì tính chất đặc biệt này mà theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ không quá 40 tuổi; dù được ưu tiên nhưng muốn sắp xếp, bố trí đảm nhiệm chức danh khác cũng khó vì họ không có chuyên môn khác.

Chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 thực hiện kỹ thuật thả dây chiến thuật. Ảnh: TUẤN ANH
Đáng nói là, suốt quá trình công tác liên tục chịu áp lực về trí lực, thể lực như vậy nhưng khi đủ điều kiện nghỉ hưu (20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên), họ cũng chỉ được hưởng mức lương hưu từ 45% trở lên như rất nhiều nhóm ngành nghề, công việc khác.
Đại úy QNCN Nguyễn Văn Chiểu tâm sự: “Qua thông tin trên báo chí tôi được biết, Bộ Quốc phòng đề xuất “quân nhân đang làm nghề, công việc đặc biệt, đặc thù theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đủ điều kiện nghỉ hưu được hưởng lương hưu 65%, tích lũy 3% cho mỗi năm công tác tới khi đủ 75%”. Tôi và đồng đội rất phấn khởi khi đón nhận thông tin này, hy vọng sẽ được thông qua”. Đại úy QNCN Ngô Văn Biển, cùng đội với anh Chiểu tiếp lời: “Nếu đề xuất này được thông qua, cuộc sống của chúng tôi sẽ bớt khó khăn hơn khi nghỉ hưu. Nhiều đồng chí cùng đơn vị tôi về nghỉ với mức lương hưu 5-6 triệu đồng/tháng, cuộc sống rất khó khăn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lực lượng chiến đấu viên được các đơn vị tuyển chọn từ chiến sĩ nghĩa vụ, tuổi đời 18-21, sau đó đưa đi đào tạo hệ trung cấp, sơ cấp ở Trường Sĩ quan Đặc công (Binh chủng Đặc công). Để có thể tác chiến độc lập trong điều kiện khắc nghiệt, ngoài sức khỏe và thể lực thì chiến đấu viên còn phải có kỹ thuật, chiến thuật đặc công điêu luyện. Những bài tập leo tường, đổ treo, thả dây chiến thuật, nhảy dù, bơi lặn, võ thuật, bắn súng... là “thực đơn” hằng ngày, luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, dễ xảy ra chấn thương. Ở tuổi 40, sau những tháng ngày liên tục tập luyện, huấn luyện với cường độ cao về mọi mặt, một số chiến đấu viên thường bị các bệnh về xương khớp, giãn dây chằng, không còn đủ độ dẻo dai để luyện tập, thực hiện nhiệm vụ nữa...
Điều kiện công tác như thế nhưng chế độ đãi ngộ với đối với lực lượng chiến đấu viên vẫn còn nhiều hạn chế. Với trình độ sơ cấp, trung cấp, lương khởi điểm của chiến đấu viên mới ra trường được khoảng 8,8 triệu đồng, thêm phụ cấp đặc thù (cao nhất là 25% với lực lượng chống khủng bố) là tổng khoảng 10 triệu đồng, trừ tiền ăn khoảng 2 triệu đồng thì chỉ còn 8 triệu đồng/tháng. Lương thấp, nhà công vụ không đáp ứng đủ, thường xuyên trực sẵn sàng chiến đấu nên hầu hết chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 chấp nhận xa gia đình và ít có thời gian, điều kiện chăm sóc vợ, con. Đây là những vấn đề tác động, ảnh hưởng lớn đến việc tuyển chọn chiến đấu viên hiện nay.
“Là đơn vị cơ động, chiến đấu của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Đặc công; đơn vị đầu ngành chống khủng bố nên có nhiệm vụ là chúng tôi đều phải trực hết. Khó khăn thế nhưng anh em luôn xác định tốt tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Sau mỗi nhiệm vụ, chỉ huy đơn vị bố trí, sắp xếp để anh em được về thăm gia đình nhằm khuyến khích, động viên. Đề xuất “ưu đãi lương hưu với nhóm làm nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang” rất thiết thực, nếu được thông qua thì quá tốt, giải quyết được rất nhiều vấn đề về tư tưởng của bộ đội”, Trung tá Phạm Hùng Cường, Phó chính ủy Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 chia sẻ.
Đề xuất “ưu đãi lương hưu với nhóm làm nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang” là một chủ trương hợp tình, hợp lý và rất thiết thực. Nếu được thông qua, chính sách này sẽ góp phần hiệu quả xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, công cụ bạo lực sắc bén để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao.
NGUYỄN ĐỨC TUẤN
------------------------------------
Nguồn động viên, khuyến khích lớn
Tiểu đoàn Phòng hóa 38, Bộ Tham mưu Quân khu 4 là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu chuyên ngành phóng xạ hóa học (như trinh sát phóng xạ hóa học, tiêu tẩy chất độc, khói lửa...), sẵn sàng cơ động, ứng phó với các sự cố hóa chất độc, phóng xạ trên địa bàn Quân khu 4. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải tiếp xúc với chất độc hóa học mang độc tính nhẹ, các chất tiêu tẩy, khử trùng mang yếu tố độc và vận động trong khí tài thời gian dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tinh thần.

Bộ đội Đại đội Tiêu tẩy 2, Tiểu đoàn Phòng hóa 38 huấn luyện tiêu tẩy chất độc trên vũ khí trang bị. Ảnh: GIANG ĐÌNH
Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh và các sự cố rò rỉ chất độc, phóng xạ thì việc tham gia khắc phục hậu quả rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Với đặc thù công việc trên, ngoài chế độ, chính sách theo quy định chung, đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật (khí tài, hóa nghiệm, thợ sửa chữa), lái xe và hạ sĩ quan, chiến sĩ đơn vị còn được hưởng thêm 15% phụ cấp đặc thù và tiền ăn binh chủng theo quy định; một số chế độ, chính sách đặc thù khi nghỉ hưu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định số 151/2016/NĐ-CP ngày 11-11-2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Tuy nhiên, theo quy định phải đủ thời gian 35 năm công tác trở lên mới được hưởng 75% lương hưu nên một số đồng chí không đáp ứng đủ điều kiện, chịu nhiều thiệt thòi.
Qua theo dõi thông tin trên báo chí, chúng tôi rất vui khi biết Bộ Quốc phòng đề xuất “ưu đãi lương hưu với nhóm làm nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang” khi xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân. Nếu được thông qua, đây sẽ là nguồn động viên lớn khuyến khích anh em yên tâm, hăng say hơn trong thực hiện nhiệm vụ; thu hút nhân lực chất lượng cao vào Quân đội.
Trung tá NGUYỄN QUỐC PHÒNG (Chính trị viên Tiểu đoàn Phòng hóa 38, Bộ Tham mưu Quân khu 4)
------------------------------------
Chăm lo lực lượng đặc biệt cần có chính sách đặc thù
Tôi rất ủng hộ đề xuất “ưu đãi lương hưu với nhóm làm nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang” của Bộ Quốc phòng khi xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; mong muốn đề xuất này sẽ được thông qua.
Tôi nghĩ, không riêng tôi mà người dân cũng ủng hộ Đảng, Nhà nước ta có ứng xử đặc biệt bằng những chính sách đặc thù đối với những người làm nghề, công việc đặc biệt trong lực lượng vũ trang. Công việc của họ không chỉ độc hại, nguy hiểm, vất vả, nặng nhọc, chịu nhiều áp lực mà còn đòi hỏi luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh tính mạng vì sự bình yên của Tổ quốc, hạnh phúc của người người, nhà nhà... Vậy thì chúng ta cần có những chính sách động viên, tạo động lực để chăm lo, khuyến khích họ yên tâm công tác, cống hiến.
Chúng ta không thiếu ngân sách, nhưng quan trọng là ngân sách phải chi đúng chỗ, đúng đối tượng cần chăm lo để họ hết lòng vì nước, vì dân, như chúng ta đã có những chính sách với cán bộ, chiến sĩ, giáo viên công tác ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hay lực lượng đấu tranh với tội phạm ma túy...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/chu-truong-hop-tinh-hop-ly-thiet-thuc-822919