Chủ website Fmovies phát tán phim lậu kiếm lợi hàng trăm nghìn USD

Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phan Thành Công, SN 1990 và bị can Nguyễn Tuấn Anh, SN 1990 (cùng trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) về tội ''Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan'.

Trước đó, Công an TP Hà Nội nhận được đơn của Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam (đơn vị được ủy quyền và thực thi quyền tại Việt Nam của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPA) tố giác nhóm các website Fmovies có hành vi sao chép, phân phối bất hợp pháp 30 tác phẩm điện ảnh của MPA được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.

Kết quả điều tra xác định, Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh học cùng Trường dạy nghề Aptech và quen biết nhau từ năm 2008. Khoảng tháng 9/2015, Công và Anh trao đổi, bàn bạc, thống nhất về việc tạo lập hệ thống website Fmovies với mục đích trình chiếu miễn phí (người xem phim không phải trả tiền) các phim do nước ngoài sản xuất.

Việc này nhằm thu hút lượng người dùng trên toàn thế giới xem phim và chèn quảng cáo của các công ty quảng cáo nước ngoài trên các website Fmovies.

Hai bị can Công và Anh đã phát tán phim lậu thu lợi bất hợp pháp hàng trăm nghìn USD.

Hai bị can Công và Anh đã phát tán phim lậu thu lợi bất hợp pháp hàng trăm nghìn USD.

Khi người dùng muốn xem phim trên hệ thống website Fmovies thì phải xem quảng cáo của Công ty quảng cáo MGID trước (có trụ sở nước ngoài). Công ty quảng cáo MGID trả tiền quảng cáo cho Công và Anh.

Theo phân công, Công là người lập trình, quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies; trực tiếp liên hệ, cung cấp thông tin, nhận tiền quảng cáo với Công ty MGID để quảng cáo trên website Fmovies; mua tài khoản Google Drive của Công ty Google nước ngoài và lập các tài khoản nhân viên.

Công đồng thời quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies thông qua tài khoản quản trị. Khi Công đăng nhập vào tài khoản quản trị này, anh ta sẽ theo dõi được số lượng phim, tình trạng phim, thời gian đăng tải phim, số lượng người đã xem phim đó trên website Fmovies.

Tuấn Anh được phân công vào đường dẫn tìm kiếm và sao chép, tải phim về đăng tải lên hệ thống website Fmovies.

Công và Anh thỏa thuận, Công được hưởng 90%, Tuấn Anh được hưởng 10% trên tổng số tiền quảng cáo nhận được hàng tháng từ Công ty MGID.

Cơ quan điều tra kết luận, dù biết việc sao chép, đăng tải, phân phối trái phép các phim đang được bảo hộ là vi phạm pháp luật nhưng do hám lợi nên từ tháng 9/2015 đến tháng 5/2022, Công và Anh đã sao chép, đăng tải trái phép 30 tác phẩm điện ảnh của các hãng phim được bảo hộ bởi MPA.

Từ tháng 8/2016 đến nay, tổng số tiền quảng cáo mà Công nhận được từ Công ty MGID là hơn 400.000 USD. Công hưởng lợi gần 365 triệu đồng và chia cho Anh hơn 40 triệu đồng. Quá trình điều tra, hai bị can đã nộp lại toàn bộ số tiền đã hưởng lợi bất hợp pháp.

Trong số 30 tác phẩm điện ảnh bị sao chép, cơ quan điều tra mới xác định được 17 tác phẩm bị Công và Anh sao chép, đăng tải, phân phối trái phép cho Công ty cổ phần Galaxy Play, Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam và Công ty ITB TV LTD, gây thiệt hại hơn 920 triệu đồng.

Đối với 13 tác phẩm còn lại, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu MPA cung cấp thông tin về giá chuyển nhượng quyền phân phối các tác phẩm điện ảnh trên tại Việt Nam để xác định giá trị thiệt hại. Tuy nhiên đến nay, MPA không cung cấp được thông tin về giá chuyển nhượng quyền phân phối các tác phẩm điện ảnh trên tại Việt Nam nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý.

Tháng 7/2024, toàn bộ hệ thống website Fmovies đã dừng hoạt động.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/chu-website-fmovies-phat-tan-phim-lau-kiem-loi-hang-tram-nghin-usd-i758464/