Kiếm hàng trăm nghìn USD, chủ trang web phim lậu Fmovies bị truy tố

Từ tháng 8/2016 đến khi bị bắt, tổng số tiền quảng cáo mà Công nhận được từ Công ty MGID là hơn 400.000 USD. Trong đó, Công hưởng lợi 364,5 triệu đồng và chia cho Tuấn Anh 40,5 triệu.

Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân TP Hà Nội vừa có cáo trạng truy tố Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh (cùng SN 1990, trú quận Hà Đông, Hà Nội) về tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Vụ án nêu trên khởi phát khi Công an Hà Nội nhận được đơn của Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam (là đơn vị được ủy quyền và thực thi quyền tại Việt Nam của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ - MPA) tố giác nhóm website Fmovies có hành vi sao chép, phân phối bất hợp pháp 30 tác phẩm điện ảnh của MPA được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.

Bị can Phan Thành Công.

Bị can Phan Thành Công.

Quá trình điều tra, công an làm rõ Phan Thành Công và Nguyễn Tuấn Anh quen nhau từ năm 2008 khi họ học cùng trường Aptech.

Tháng 9/2015, họ bàn bạc, thống nhất lập hệ thống website Fmovies để chiếu miễn phí những phim do nước ngoài sản xuất. Mục đích là thu hút lượng người xem trên toàn thế giới, chèn quảng cáo rồi kiếm tiền.

VKS xác định, Công phụ trách lập trình, quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies; trực tiếp liên hệ, cung cấp thông tin, nhận tiền quảng cáo với Công ty MGID để quảng cáo trên website Fmovies.

Khi người dùng muốn xem phim trên hệ thống website Fmovies, họ phải xem quảng cáo của Công ty Quảng cáo MGID (có trụ sở nước ngoài). Công ty này trả tiền quảng cáo cho Công, Tuấn Anh.

Công còn được giao mua tài khoản Google Drive của Công ty Google nước ngoài và lập các tài khoản nhân viên; quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies thông qua tài khoản quản trị.

Còn Tuấn Anh có nhiệm vụ tìm kiếm và sao chép, tải phim về đăng tải lên hệ thống website Fmovies. Hai bị can thống nhất, Công được hưởng 90% và Tuấn Anh được hưởng 10% trên tổng số tiền quảng cáo nhận được hàng tháng từ Công ty MGID.

Cáo trạng nêu, Công và Tuấn Anh biết việc sao chép, đăng tải, phân phối trái phép các phim đang được bảo hộ là vi phạm pháp luật, song do hám lợi nên từ tháng 9/2015 - 5/2022, họ đã sao chép, đăng tải trái phép 30 tác phẩm điện ảnh của các hãng phim được bảo hộ bởi MPA.

Cơ quan tố tụng làm rõ, từ tháng 8/2016 đến khi bị bắt, tổng số tiền quảng cáo mà Công nhận được từ Công ty MGID là hơn 400.000 USD. Trong đó, Công hưởng lợi 364,5 triệu đồng và chia cho Tuấn Anh 40,5 triệu. Quá trình điều tra, các bị can đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính.

Cũng theo VKS, trong 30 tác phẩm điện ảnh bị sao chép liên quan vụ án, cơ quan chức năng mới xác định được 17 tác phẩm bị Công và Tuấn Anh sao chép, đăng tải, phân phối trái phép cho Công ty CP Galaxy Play, Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam và Công ty ITB TV LTD. Hành vi này gây thiệt hại trị giá hơn 920 triệu đồng.

Đối với 13 tác phẩm còn lại, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ cung cấp thông tin liên quan để xác định giá trị thiệt hại. Đến nay, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ không cung cấp được thông tin về giá chuyển nhượng quyền phân phối các tác phẩm điện ảnh trên tại Việt Nam nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kiem-hang-tram-nghin-usd-chu-trang-web-phim-lau-fmovies-bi-truy-to-192250207181538331.htm