Chùa Am Các có thể được xây dựng từ thế kỷ XIV

Qua công tác khai quật, đã xác định được 19 di tích và hàng nghìn di vật cho thấy di tích chùa Am Các có lịch sử phát triển khoảng 4 đến 5 thế kỷ.

Đây là thông tin được các nhà khoa học công bố tại hội nghị báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học di tích chùa Am Các (xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) năm 2023, được tổ chức ngày 21/8.

Theo đó, từ ngày 19/5 đến ngày 16/8/2023, Viện Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với các cơ quan của tỉnh Thanh Hóa tiến hành khai quật di tích chùa Am Các. Đây là cuộc khai quật lần thứ hai di tích chùa Am Các, tập trung trong phạm vi kiến trúc nội tự (phía trong tường bao) với diện tích trên 3.000m2.

 Công tác khai quật khảo cổ tại di tích chùa Am Các. Ảnh: IICS

Công tác khai quật khảo cổ tại di tích chùa Am Các. Ảnh: IICS

Đợt khai quật này đã xác định được 19 di tích (bao gồm 14 di tích nền móng kiến trúc, 2 di tích tường bao, 2 di tích tường ngăn, 1 di tích rãnh nước) và hàng nghìn di vật có chất liệu và chức năng khác nhau.

Các nhà khoa học đã phát hiện được số lượng khá lớn đồ gốm sứ, mặt bằng kiến trúc thời Trần có thể hình chữ “Công”.

Cùng với đó là cống thoát nước xây bằng gạch chữ nhật thời Trần, các bó nền kiến trúc sử dụng chất liệu tại chỗ (đá mồ côi) và kỹ thuật xây dựng mang truyền thống thời Trần và đặc biệt là di tích tường bao/nội - ngoại tự và những bức tường ngăn không gian chức năng của thành trong/nội tự, cùng với loại đá và kỹ thuật xây dựng như các kiến trúc, đã minh chứng cho sự tồn tại của kiến trúc nhà Trần ở đây.

Căn cứ vào những hiện vật còn lại trong khu vực chùa Am Các như hiện vật liên quan đến tôn giáo (tượng Phật bằng đá, chân tảng đá hoa sen, bàn thờ đá); những địa danh và di tích liên quan đến tôn giáo (Khe Mõ có mõ đá, chuông đá; Tảng/phiến đá khắc hình tượng Phật); đặc biệt là 19 di tích phát hiện trong hố khai quật với các tòa ngang dãy dọc, quy mô lớn, có bộ mái với những đầu đao cong, các phù điêu, tượng rồng, diềm mái, có thể khẳng định chắc chắn rằng, di tích kiến trúc chùa Am Các có lịch sử phát triển 4 đến 5 thế kỷ (từ thời Trần, thế kỷ XIV đến thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII - XVIII).

Các nhà khoa học cũng cho rằng, Am Các có thể vừa là trung tâm tôn giáo, vừa là vị trí phòng thủ quân sự ven biển quan trọng. Am Các có vị trí như một tiền đồn trong hệ thống phòng vệ quân sự thời Trần nhằm đối phó với nguy cơ xâm lược từ phía biển vào và từ phía Nam ra.

 Một số hiện vật phát hiện tại di tích chùa Am Các. Ảnh: KTĐT

Một số hiện vật phát hiện tại di tích chùa Am Các. Ảnh: KTĐT

Từ kết quả khảo cổ, các chuyên gia khuyến nghị, trước mắt, khu vực khảo cổ học di tích chùa Am Các sẽ được lấp lại để phục vụ cho công tác bảo tồn. Chính quyền địa phương và các ban ngành cần hoàn thiện hồ sơ di sản; gìn giữ, phát huy các hiện vật đã được khai quật.

Chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xem xét đầu tư số hóa 3D di tích để gìn giữ giá trị gốc của di tích; phục vụ quá trình tuyên truyền, giới thiệu, phát huy giá trị của chùa Am Các.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chua-am-cac-co-the-duoc-xay-dung-tu-the-ky-xiv-post261410.html