Chưa an tâm với sức khỏe doanh nghiệp, đại biểu đề nghị có quyết sách ngay trong kỳ họp

Sức khỏe còn khó khăn của doanh nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là nội dung chiếm chi phối trong phần lớn phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

 Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị) tại phiên làm việc chiều 29/5 tại Hội trường.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị) tại phiên làm việc chiều 29/5 tại Hội trường.

Sự trở lại của doanh nghiệp trong tháng 5 chưa đủ làm an tâm đại biểu Hà Sỹ Đồng.

Phát biểu trong phiên làm việc chiều 29/5 về thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị thận trọng với đề xuất giữ nguyên theo kịch bản đã xây dựng là tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt khoảng 6%-6,5%.

“Nhìn vào những thách thức của nền kinh tế, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp”, đại biểu lý giải cho ý kiến trên.

Mặc dù số liệu cập nhật cho thấy, trong tháng 5, tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn, với gần 20.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp).

Nhưng, tính chung cả 5 tháng thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.299 doanh nghiệp, tăng 10,5%, còn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lại chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, đại biểu Hà Sĩ Đồng làm rõ.

“Đây là vấn đề theo tôi cần được đặc biệt quan tâm, chúng ta vẫn nói doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển, nhưng trước những con số biết nói trên, doanh nghiệp khó khăn thì chúng ta phải làm gì? Đề nghị phân tích, đánh giá kỹ hơn để có những quyết sách kịp thời tại kỳ họp này, nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động”, đại biểu Hà Sĩ Đồng kiến nghị.

Đặc biệt, đại biểu đề nghị phân tích kỹ lưỡng về việc tăng thu ngân sách mạnh trong 4 tháng đầu năm. “Cán cân ngân sách thặng dư lớn, tới gần 30.000 tỷ đồng trong bốn tháng đầu năm. Thành tích này đã giúp chính sách tài khóa có thêm dư địa để mở rộng hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn nhận khía cạnh khác, kết quả này có nghĩa là một lượng tiền lớn của doanh nghiệp và người dân đã được huy động và rút khỏi nền kinh tế chưa được tái phân phối trở lại kịp thời. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng thấp...

Phát biểu sau đại biểu Đồng, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sớm xem xét các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp và người dân tương tự như năm 2023, trong đó có việc giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024, giảm phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước vừa là kích cầu tiêu dùng, vừa tăng doanh thu bán hàng, qua đó tăng thu thuế.

"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn các bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam để có bước đột phá. Cùng với đó, nên nghiên cứu đề xuất luật hóa việc bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm đổi mới sáng tạo vì cái chung", đại biểu Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị.

Quốc hội dành cả ngày 29/5 thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Quốc hội dành cả ngày 29/5 thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Trong phiên làm việc buổi sáng, sức khỏe doanh nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng là vấn đề có trong phần lớn phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội.

Trong đó, tình trạng ngần ngại ra các quyết định trong thẩm quyền, tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép, tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại, các ách tắc của người dân và của doanh nghiệp cũng được nhiều đại biểu xác định là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công và cả đầu tư xã hội, gây ra tình trạng đình đốn trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Phát biểu trong phiên làm việc sáng 29/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng nhắc đến Nghị định 73/2023/NĐ-CP về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

"Nhưng nghiên cứu kỹ tôi thấy chưa đủ", đại biểu Nghĩa phát biểu. Cụ thể, ông đề nghị phải có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm trong thực thi công vụ.

"Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành một thông tư liên bộ của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra Chính phủ và có thể cả Bộ Tư pháp để hướng dẫn thi hành chi tiết Nghị định 73 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thông tư liên bộ này cần phải sâu sát với tình hình tâm tư, tình hình bức xúc của đội ngũ cán bộ các cấp trong cả nước. Tôi nghĩ thông tư liên bộ với đủ các ngành sẽ giúp cho cán bộ yên tâm trong việc hành xử và ra các quyết định hành chính của mình", đại biểu Trương Trọng Nghĩa làm rõ các đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là đối với khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Một vấn đề nữa là tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm, nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ và có giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng”, đại biểu Thi kiến nghị.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chua-an-tam-voi-suc-khoe-doanh-nghiep-dai-bieu-de-nghi-co-quyet-sach-ngay-trong-ky-hop-d216310.html