Chùa Bà Thiên Hậu (Phú Hài) và chùa Ông Quan Thánh (Đức Nghĩa): Văn hóa tín ngưỡng dân gian cộng đồng cư dân Hoa - Việt

Trong quá trình mở cõi về phương Nam từ thời các chúa Nguyễn, lịch sử ghi nhận sự có mặt một bộ phận người Hoa sau đó trở thành người Việt gốc Hoa.

Chùa Bà Thiên Hậu (Phú Hài) mới xây dựng lại từ năm 2000 - Nguồn Internet.

Có thể lấy mốc từ năm Kỷ Tỵ - 1679 những người Hoa không thần phục nhà Mãn Thanh là Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình chạy sang Đàng Trong được chúa Hiền-Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) bảo trợ cho khai khẩn Đông Phố (Gia Định), Lộc Dã (Biên Hòa), Mỹ Tho (Định Tường). Năm Nhâm Thân-1692 chúa Quốc (Minh) Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) mở thêm trấn Thuận Thành sau là phủ Bình Thuận (Đinh Sửu-1697), năm sau (Mậu Dần-1698) sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và dinh Phan Trấn (Gia Định). Đến năm Mậu Tý - 1708 Mạc Cửu đem đất Hà Tiên đặt dưới quyền bảo trợ của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Riêng tại Bình Thuận, điểm khởi đầu của vùng đất phương Nam, cũng trong dòng chảy lịch sử đó, người Hoa vào tụ cư theo 3 cửa biển Phan Rí, Phố Hài và Phan Thiết làm ăn sinh sống và từ đó có mối quan hệ giao lưu gắn bó với cộng đồng người Hoa trên vùng đất mới phía Nam. Cùng với các thiết chế đình chùa miếu mạo của người Việt, cộng đồng người Hoa sau khi ổn định cuộc sống là bắt đầu xây dựng các thiết chế tín ngưỡng dân gian của dân tộc Hoa, trong đó có 2 thiết chế không thể thiếu, đó là chùa Bà thờ Bà Thiên Hậu và chùa Ông thờ Quan Thánh Đế Quân. Ngày nay, ngoài trung tâm văn hóa người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, trong khu vực phía Nam đã hình thành 2 lễ hội văn hóa lớn là Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở thành phố Thủ Dầu Một thường niên vào rằm tháng giêng và Lễ hội “Nghinh Ông Quan Thánh” ở thành phố Phan Thiết được tổ chức 2 năm 1 lần vào trung tuần tháng 7 âm lịch, thu hút đông đảo bà con Hoa - Việt trong khu vực tham dự.

*

Chùa Bà Thiên Hậu ở Phan Rí và Phố Hài được tạo lập cùng năm 1725, sách Đại Nam nhất thống chí, nói về Bình Thuận có ghi: “Đền thờ Thiên Hậu, người Phúc Kiến Trung Hoa nguyên là con gái họ Ôn, có tài gọi gió, mưa, từng bay ra biển cứu giúp người bị nạn. Thần được các triều Tống, Minh phong tặng, triều Thanh phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu”. Riêng tại Phú Hài, tàu buôn Trung Hoa đã vào buôn bán tạo nên một cảnh “trên bến dưới thuyền” bởi bấy giờ cửa Phố Hài là một cửa lớn rộng 60,5 trượng (242 m), gấp 3 lần cửa Phan Thiết (21 trượng). Tại đây hình thành nên 2 chợ là chợ Cửa và chợ Dinh, tên gọi chợ Cửa vì ở gần cửa biển, còn đi sâu vào tới giáp ranh giữa Phú Hài và Phú Long ngày nay thì chợ có tên là chợ Dinh. Thuyền buôn Trung Hoa nhập vào tơ lụa, sành sứ, thuốc Bắc… và xuất đi nước mắm, cá khô, lâm thổ sản… đồng thời một số bà con người Hoa ở lại làm ăn, sinh sống và trở thành người Việt gốc Hoa trên đất Phú Hài. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, có một lần thuyền buôn Trung Hoa vào ăn hàng tại chợ Dinh như mọi lần song lần này quay mũi ra cửa không được, phải khấn vái Thiên Hậu Thánh Mẫu thì chuyến hải trình mới tiếp tục được. Từ ngôi đền thờ Thiên Hậu đơn sơ buổi đầu, năm 1774 bà con thương nhân người Hoa và người Việt đã tạo dựng nên một ngôi dinh to đẹp với kiến trúc cổ đậm nét Trung Hoa, cư dân gọi là dinh Bà Thiên Hậu hay chùa Bà Thiên Hậu, pho tượng Bà được chuyển từ Trung Hoa sang thờ phụng…

Chùa Ông- Quan Đế Miếu Phan Thiết. Ảnh nguồn Internet.

Lịch sử truyền thống địa phương có ghi lại: Sau vụ Lưu Cầu Kiều (1937) Hoa kiều tứ bang khu vực Phan Thiết tổ chức Trung Hoa cứu quốc hội nhằm ủng hộ phong trào kháng Nhật ở chính quốc. Đồng chí Nguyễn Gia Tú có liên hệ với tổ chức này, nhất là cuộc vận động của thanh niên Hoa kiều thuê gánh hát bán vé lấy lời vào 2 quỹ: Quỹ ủng hộ kháng Nhật và quỹ ủng hộ các tờ báo công khai của Đảng. Thanh niên Hoa kiều ở Phú Hài liên hệ chặt chẽ với đồng chí Nguyễn Gia Tú và tích cực tham gia trong cuộc vận động này có các anh Trần Tôn Hoa, Trần Tôn Phú, Huỳnh Nhơn (Hai Dền), Phan Học Thọ (Hai Chợ), Trương Quang Vi (Hai Kim)… Sau khi thấy tiền lời không nhiều, đồng chí Nguyễn Gia Tú đã đề nghị dồn tiền chi quỹ kháng chiến chống Nhật… Tháng 9/1940, quân Nhật vào Lạng Sơn và tràn xuống phía Nam, tại Phan Thiết công ty Mít-su-bít-si của Nhật chiếm hảng “Cá Bạc” ở Bình Hưng trước đó là cơ sở chế biến hải sản của tư sản Pháp Gơ-ran-van. Công ty này cho phơi cá khô, làm cá hộp phục vụ quân đội Nhật; ngoài ra còn trưng mua một số ghe bầu để chuyên chở ven biển vì vậy có liên quan đến việc làm ăn buôn bán ở Phú Hài vì Phú Hài là vùng nhiều cá mắm chỉ sau Phan Thiết. Tình hình bấy giờ rất phức tạp, nên có ý kiến cho rằng người Hoa dời tượng Bà Thiên Hậu từ chợ Dinh (còn goi là chùa Bà Phú Hài) về thờ ở chùa Ông trong Phan Thiết (Đức Nghĩa) trong thời điểm này. Qua những lần đi điền dã gặp gỡ các bậc cao niên người Hoa và người Việt ở Phú Hài cho biết thì chùa Bà bị cháy do máy bay của quân Đồng Minh mang bom từ biển vào thả xuống các cơ sở của Nhật (như hãng Cá Bạc, Ga Phan Thiết, Ga Mương Mán, và cả vùng Phú Hài…) vào tháng 5/1945.

Cách mạng Tháng Tám thành công tại Phan Thiết ngày 24/8/1945, Nhật rút đi, song quân Pháp dựa thế quân Anh từ Sài Gòn hành quân lên Đà Lạt rồi xuống Phan Rang quay trở lại vào tái chiếm Phan Thiết ngày 31/1/1946. Lịch sử địa phương còn ghi lại, từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5 năm 1946 các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã họp đàm phán với chỉ huy quân Pháp ở Phan Thiết nhằm ký kết một bản hiệp định địa phương trên cơ sở Bản hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 Hồ Chủ tịch đã ký với Pháp, một văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước tự do, có chủ quyền. Hai bên đã có 4 phiên họp, phía Pháp lấy hội quán “Tứ Bang” của Hoa kiều ở phường Đức Nghĩa, phía ta lấy đình làng Phước Môn (vùng chợ Dinh, gần chùa Bà) làm địa điểm gặp gỡ. Sau đó bước vào kháng chiến trường kỳ, xuất hiện một địa danh nơi chuyển tin tức và vật phẩm cho kháng chiến là gần “chùa Cháy” - Phước Môn (vậy chùa Cháy có phải chùa Bà bị cháy, trong năm 1945 hay trong tiêu thổ kháng chiến?). Năm nào thì cũng phải trải qua 30 năm kháng chiến đánh Pháp rồi chống Mỹ, đến 30/4/1975 nước nhà mới thống nhất và thêm 20 năm nữa (vào những năm 2000) mới xây dựng lại chùa Bà để gìn giữ tâm linh và khách du lịch thập phương về chiêm bái…

Còn chùa Ông thờ Quan Thánh Đế Quân trong Phan Thiết được tạo lập vào năm 1778, sách Đại Nam nhất thống chí ghi là “Đền Quan Công”, người Hoa gọi là “Quan Đế Miếu” tức “Miếu thờ Quan Thánh Đế Quân”. Theo lịch sử Trung Hoa, Ông là một vị danh tướng thời Tam Quốc tên là Quan Vũ (162-219), tự là Trường Sanh, Vân Trường, thường gọi là Quan Công, rất liêm chính, cương trực, được sùng kính như là bậc thánh, khi mất đi hiển thánh là Quan Thánh Đế Quân, được nhân dân lập miếu tôn thờ, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế, là biểu tượng “trung dũng thần vũ”, trở thành người đứng đầu các vị thần trong Nho giáo (Võ Thánh), vị trí của ông được xem như Khổng Tử (Văn Thánh). Nhà Nguyễn cũng sắc phong “Quan Thánh Đế Quân tôn Thần”, khảo cứu các bài văn tế ở các đình làng, dinh vạn ở khu vực Phan Thiết (và chắc có lẽ cả vùng) đều có xướng thần “Quan Thánh Đế Quân” và ngay tại Dinh Vạn Thủy Tú, nơi thờ các vị thần Nam Hải, có hẳn một gian thờ “Quan Thánh Đế Quân”.

Trong Đại Nam nhất thống chí còn chép lại bài thơ “Vịnh đền thờ Quan Công ở Bình Thuận” của một tác giả khuyết danh viết vào thời chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh, giúp ta hiểu thêm về cảnh vật và tâm trạng con người của một đất nước phân tranh:

“Đền hoang phế, thần uy lẫm lẫm,

Chính khí thông muôn dặm non sông.

Gươm trung nghĩa chập chồng tuyết đọng,

Mảnh chinh y điểm đóng móc meo,

Sử sách cũ gương treo thiên tải.

Cõi bờ nay trở lại tam phân,

Kém trí dũng xét thân tự hổ.

Lòng phẩn trung mong tỏ chứng minh”.

(Tu Trai Nguyễn Tạo dịch) (1)

Theo dòng chảy lịch sử, từ ngôi đền nhỏ ban đầu chùa Ông lần hồi phát triển thành một ngôi miếu lớn với các dãy nhà nối tiếp nhau tạo nên hình chữ Kim mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa. Nội thất với nhiều bức hoành phi đại tự sắc nét, những bức tranh chạm gỗ, gắn tường nội dung miêu tả các điển tích xưa của người Hoa, cùng nhiều chiếc chuông cổ có giá trị về lịch sử và nghệ thuật, đúc tại Quảng Đông được chuyển sang từ triều đại Nhà Thanh. Đặc biệt, người Hoa lúc di cư đã đưa tượng Ông làm bằng gỗ quý từ Trung Hoa sang thờ, đến nay pho tượng còn nguyên vẹn. Tượng Ông được đặt ở gian chính điện, phía trước bên trái có tượng Quan Bình trên tay cầm một cái hộp nhỏ trong đó đựng chiếc ấn tước hiệu của Ông “Hán Thọ Đình Hầu”, bên phải có tượng Châu Xương tay cầm võ khí lừng danh “Thanh long đao” của Ông. Cũng trong gian giữa chánh điện còn đặt hương án thờ Bà Thiên Hậu và Phước đức chánh thần, gian hữu thờ Thánh Mẫu – Bà mẹ Thai sanh (Bà Chúa Sanh nương nương, Bà mẹ sanh hay Kim Hoa Thánh Mẫu), gian tả thờ Tiền Hiền, Tổ tiên…

*

Trải qua thời gian và chiến tranh hủy diệt bao công trình kiến trúc cổ xưa, song vẫn còn sót một số di tích của loại hình kiến trúc cổ truyền và đậm đà sắc thái dân gian của cộng đồng các dân tộc anh em từ lâu đời như những ngôi tháp Chăm cổ, chùa của người Hoa và đình làng, chùa chiền của người Việt trên đất Phan Thiết xưa vẫn còn khá nguyên vẹn đến ngày nay, đó là những hình ảnh quen thuộc của người dân Phan Thiết, không những lưu lại bằng sản phẩm vật chất cụ thể mà còn đi vào tâm hồn tình cảm nhân dân qua các lễ hội dân gian làm cho mọi người dân Phan Thiết thêm yêu quê hương đất nước mình…(2).

(1) Trích theo Văn học Nam Hà - Nguyễn Văn Sâm - Lửa thiêng Sài Gòn 1974.

(2) Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý, nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Thuận.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chua-ba-thien-hau-phu-hai-va-chua-ong-quan-thanh-duc-nghia-van-hoa-tin-nguong-dan-gian-cong-dong-cu-dan-hoa-viet-99684.html