Chưa bao giờ

Cùng nhập ngũ với tôi (tháng 8/1966) có hai bạn cùng quê là C với K. Sau 3 tháng huấn luyện gấp cả ba chúng tôi đều được bổ sung cho tiểu đoàn 9F324 ở mặt trận Quảng Trị nhưng khác đại đội.

Từng chịu nhiều trận bom pháo đối phương tập kích, cũng được tham gia nhiều trận chiến đấu vô cùng ác liệt. Gian khổ có nhau, có niềm vui nỗi buồn đều tìm đến nhau chia sẻ. Tình cảm vừa đồng chí vừa đồng hương, nơi chiến trường -gặp nhau quý hơn vàng.

CCB Đặng Sỹ Ngọc.

CCB Đặng Sỹ Ngọc.

Kết thúc chiến tranh, cả ba đều sống sót. Là niềm vui, tự hào cho cả gia đình và quê hương. Nhưng trên thân thể mỗi người đều có những vết sẹo được gọi là thương binh. Tôi là người bị thương nặng nhất (mất sức 81%) phải có người phục vụ. Tôi phải sống xa quê hương chừng 50 km, để tiện cho việc y tế chăm sóc khi thương tật tái phát. Còn hai bạn bị thương nhẹ hơn được về nơi chôn rau cắt rốn. Cả ba chúng tôi đều đã có gia đình, có vợ, có con. Những hai bạn là cấp tá, tôi có quân hàm không sao. Tôi chưa đủ niên hạn phục vụ đã bị thương nên chỉ hưởng trợ cấp thương tật, không có lương hưu (đây cũng là số phận).

Nay mỗi ngày thêm tuổi. Cuộc chiến đã kết thúc hàng nửa thế kỷ. Nhưng trong tôi vẫn luôn nghĩ đến bạn bè đồng đội. Dù phải trải qua những khó khăn sau cuộc chiến tranh tàn khốc lâu dài và tình trạng bao cấp, thiếu thốn. Đã hàng chục lần tôi thuê xe chống nạng về quê hoặc rủ thêm đồng đội đơn vị cũ trở về thăm C và K . Trong số đồng đội cũng chỉ là những chiến sĩ, ai ai cũng hăng hái nhiệt tình, nhắc đến tên mỗi người dù còn sống hay đã hy sinh họ đều nhớ rất thân thiết. Có đồng đội bị địch bắt, phải tù đày, chịu những trận đòn tra tấn hoặc có đồng đội bị thương hỏng mắt, mù lòa nhắc đến cán bộ C và K, họ vui vẻ sôi động giục nhau tìm gặp, tình cảm thắm thiết như ngày xưa ở mặt trận. Có quà gì gia đình sản xuất được đều mang đi tặng bạn. Có lần nghe tin K và C ở trong vùng lũ lụt lớn tại huyện Vũ Quang Hà Tĩnh, họ lo lắng rồi giục nhau về thăm. Họ mua thêm quần áo, thuốc thang, mì tôm và cả rượu. Có khi đưa cả vợ con của mình về thăm đồng đội nữa. Là tình nghĩa quý giá rất phổ biến ở tâm tư tình cảm của những cựu chiến binh Việt Nam.

Tìm hiểu qua sách báo và các phương tiện truyền thông hoặc trong dư luận của nhân dân. Tôi biết có nhiều cán bộ quân đội khi về hưu vẫn luôn tổ chức cùng nhau đi thăm đồng đội của mình. Kể cả việc về thăm đồng bào nơi chiến trường xưa nghĩa tình. Và tìm hài cốt các liệt sĩ. Có đồng chí còn thắp hương cho liệt sỹ là đồng đội của mình tại nhà riêng, thật xúc động.

Vậy mà hai bạn của tôi chưa bao giờ đến thăm các bạn cũ còn sống.

Có người hỏi: hai thằng C và K ấy có đến thăm Ngọc không?

Tôi trả lời: chưa thấy ! chưa bao giờ thấy!

Ngày 25 tháng 11 năm 2023

Đ.S.N

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chua-bao-gio-a21932.html