Chưa bao giờ Việt Nam có không gian cải cách thuận lợi như hiện nay
Với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế như hiện nay, rất khó để đạt được mức tăng trưởng 8 – 10%, dù ở kịch bản lạc quan nhất. Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ có không gian cải cách thuận lợi như hiện nay và nếu thành công, Việt Nam chắc chắc sẽ đạt được con số tăng trưởng kỳ vọng.
Đây là những nhận định được nêu cuộc tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” diễn ra vào sáng 3/1 tại Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của nền kinh tế trong năm 2025, dự kiến đạt mức 6,5%.
Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển. Đồng USD suy yếu và chính sách giảm lãi suất của FED hỗ trợ kinh tế vĩ mô sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đặc biệt vào Mỹ. Việt Nam có thể tận dụng chính sách thương mại mới của Mỹ để nâng vị thế cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, không ít những rủi ro cho tăng trưởng cũng đã xuất hiện. TS. Nguyễn Quốc Việt nhận định biến động kinh tế thế giới và các xu thế chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước lớn có thể giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
“Dù lạm phát 2024 dự kiến dưới 4,5%, áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua. Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ làm phân mảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu, nhất là các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu”, ông Nguyễn Quốc Việt nhận định.
Bên cạnh đó, trong dài hạn, biến đổi khí hậu và dân số già hóa nhanh chóng đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định tài chính vĩ mô của Việt Nam trong dài hạn.
“Hứng khởi của nền kinh tế 2024 và đầu năm 2025 đến từ các động lực về cải cách, tinh gọn bộ máy nhà nước. Chúng tôi hy vọng cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi hơn so với giai đoạn trước. Mục tiêu là để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Với những phân tích trên, chuyên gia của VEPR có 6 khuyến nghị chính sách trong thời gian tới. Thứ nhất, cần tập trung ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn so với giai đoạn hậu Covid-19, tránh tư duy nóng vội, chủ quan duy ý chí. Các chính sách vĩ mô cần được ban hành, đánh giá tác động một cách cẩn trọng, đa chiều và có lộ trình cụ thể được công bố sớm để các chủ thể liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp có thể thích ứng, chống chịu tốt hơn trước những “cú sốc” về chính sách.
Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, cần tập trung xây dựng quy chế và chính sách để thúc đẩy động lực phát triển bền vững nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phải đáp ứng được xu hướng thương mại – đầu tư toàn cầu.
Nếu chúng ta đưa ra chính sách và việc thực thi chính sách không đồng nhất, trùng khớp với xu thế thương mại - đầu tư toàn cầu, cũng như xu thế sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thì sẽ khó nâng cao được vị thế cũng như năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như doanh nghiệp.
Thảo luận tại tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, yếu tố quan trọng khiến chúng ta chưa thể có đột phá trong những năm qua chính là thể chế và nó đã trở thành “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ.
Với quyết tâm và yêu cầu phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay, có thể nói “chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội, có một không gian cải cách thuận lợi như bây giờ”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Bày tỏ sự đồng tình rất cao với quan điểm phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm đã được Tổng Bí thư nêu trong bài phát biểu gần đây, TS Nguyễn Đình Cung phân tích bước đột phá về tư duy, về xây dựng thể chế này khi được thực hiện thành công sẽ tạo động lực mạnh mẽ, mở ra không gian phát triển vô cùng lớn cho nền kinh tế, góp phần huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế.
Trong đó, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc tiên phong đưa tư duy đột phá trong xây dựng pháp luật, cải cách thể chế nào vào thực tế.
Một trong các giải pháp để đột phá thành công, đưa đất nước tăng trưởng ở mức mà nguyên Viện trưởng CIEM khuyến nghị, đó là phân cấp, phân quyền triệt để hơn cho địa phương, để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Việc phân cấp, phân quyền này đi cùng với việc mở không gian của pháp luật ở Trung ương sẽ phát huy được tính năng động, sáng tạo của địa phương, các địa phương sẽ cạnh tranh nhau trong phát triển.
Cùng với đó, thay đổi cách đánh giá theo kết quả thay vì theo quy trình, mở ra không gian và cả áp lực để địa phương nỗ lực đạt những mục tiêu đề ra. Với cách làm như vậy, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 2 con số của 63 tỉnh, thành phố có thể đạt được và từ đó đưa cả nước đạt mức tăng trưởng hai con số.
Đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phân tích, với các yếu tố thành phần trong GDP như hiện nay, dù ở mức lạc quan nhất cũng không thể tăng trưởng 8 – 10%.
Song, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, khi lãnh đạo đất nước đã chỉ rõ được vấn đề thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” và quyết tâm cải cách. Cùng với đó, trong bối cảnh các nước lớn đang có những cạnh tranh gay gắt, Việt Nam có cơ hội rất lớn để đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Thọ, giai đoạn này sẽ không kéo dài, do đó Việt Nam phải kịp thời cải cách, đổi mới để nắm bắt được cơ hội, từ đó mới có thể tăng tốc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.