'Chữa bệnh' cho di tích: Tránh từ nghìn tuổi thành… 1 tuổi

Theo đại biểu Quốc hội, với mục tiêu đề ra, riêng Hà Nội, phải hoàn thành tu bổ, tôn tạo 21 di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 876 di tích cấp quốc gia. Đây thực sự là một 'con số khủng khiếp'.

Ngày 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội chuyên trách Trần Việt Anh cho rằng, chương trình đặt ra với tổng cộng 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, là một nội dung rất “tham vọng”, không dễ gì đạt được. Ông ví dụ, chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 95% các di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ tôn tạo.

Theo đại biểu, hiện cả nước có 130 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 4.000 di tích quốc gia, con số này ở Hà Nội lần lượt là 22 và 1.196. Như vậy, với mục tiêu trên, trong 5 năm tới, cả nước sẽ phải hoàn thành tu bổ, tôn tạo khoảng 123 di tích quốc gia đặc biệt, 2.800 di tích cấp quốc gia.

 Đại biểu Quốc hội chuyên trách Trần Việt Anh

Đại biểu Quốc hội chuyên trách Trần Việt Anh

Riêng với Hà Nội, phải hoàn thành tu bổ, tôn tạo 21 di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 876 di tích cấp quốc gia. “Đây là một con số khủng khiếp”, ông nhìn nhận.

Trong khi đó, đại biểu cho rằng, chỉ riêng việc chuẩn bị một hồ sơ để tu bổ, tôn tạo một di tích, đã mất rất nhiều thời gian. Trong đó, chỉ riêng hạng mục khảo cổ học cũng mất khoảng 2 năm. Vì thế, ông đề nghị hết sức thận trọng khi đặt mục tiêu như vậy.

“Bảo tồn cho di tích tức là chữa bệnh cho di tích. Chữa bệnh thì phải biết có bệnh gì mới chữa. Nếu cứ lao vào làm luôn thì có thể di tích 1.000 năm tuổi sau khi bảo tồn, tôn tạo thì chỉ còn có…1 tuổi thôi. Vì vậy phải hết sức thận trọng”, ông lưu ý.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) băn khoăn về việc sử dụng nguồn lực cơ sở hạ tầng trong thiết chế văn hóa. Ông ví dụ, Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, vốn được xác định là đầu tư trọng điểm, nhưng giờ xuống cấp, không hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra còn chỉ ra vi phạm nghiêm trọng, nợ hàng nghìn tỉ đồng và không có cơ chế nào khắc phục.

Theo ông, cử tri và Quốc hội không tiếc gì huy động nguồn lực để phát triển cơ sở văn hóa, nhưng điều quan trọng là việc quản lý, khai thác, sử dụng thế nào là cả một câu chuyện.

Cũng tại phiên họp, nhiều ý kiến băn khoăn về nguồn vốn huy động từ các địa phương sẽ gặp khó khăn, bởi không phải địa phương nào cũng có “của ăn của để”, bên cạnh đó, việc huy động các “nguồn vốn khác” cho chương trình này cũng là vấn đề.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chua-benh-cho-di-tich-tranh-tu-nghin-tuoi-thanh-1-tuoi-post1644613.tpo