Chưa bỏ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên - một quyết định hợp lý

Mặc dù đã có nhiều quy định bỏ một số loại phụ cấp đối với người làm trong khu vực công (cán bộ, công chức, viên chức)- trong đó có giáo viên, nhưng cuối cùng, đến thời điểm này, phụ cấp thâm niên dành cho giáo viên được giữ nguyên.

Chế độ phụ cấp thâm niên đã áp dụng được 13 năm

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 83, ngày 21.6 về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024, thông tin đến báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: “Trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành”. Như vậy, kể từ ngày 1.7.2024, lương cơ sở tăng từ 1, 8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng nhưng chế độ phụ cấp vẫn được duy trì.

Trong các loại phụ cấp dành cho người làm trong khu vực công (Nhà nước, Đảng, đoàn thể), hiếm có chế độ phụ cấp nào có nhiều “biến động” như phụ cấp thâm niên đối với giáo viên.

Giáo viên và các em học sinh Trường tiểu học Bàu Năng A tham quan cột mốc đặt tại sân trường (Ảnh: Ngọc Bích - Vi Xuân)

Chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên được thực hiện theo Nghị định 54 năm 2011. Điều 3 của Nghị định 54 ghi: “Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hằng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.

Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm thời gian tập sự; thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Quyết định hợp lý

Đại dịch Covid-19 khiến tiến độ thực hiện cải cách tiền lương chưa thể thực hiện. Sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, việc có tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên hay không từng gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Thời điểm đó, nhiều địa phương đã tạm ngừng thực hiện chế độ này. Ngày 20.11.2020, tại kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên.

Tại Tây Ninh, ngày 29.7.2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên. Theo thuyết minh của Sở, Luật Giáo dục năm 2019 được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương Đảng, ghi rõ việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên và xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm.

Để thực hiện chế độ tiền lương mới đối với giáo viên, phải có một số điều kiện. Trước hết, phải có bảng lương mới theo vị trí việc làm, không còn sử dụng lương cơ sở và hệ số lương quy định tại Nghị định 204 năm 2004 của Chính phủ. Tiếp theo, phải xây dựng được chế độ phụ cấp đặc thù nghề nghiệp khi sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018.

Tuy nhiên, hiện tại, bảng lương mới theo vị trí việc làm cũng như sắp xếp lại các chế độ phụ cấp mới chỉ đang ở giai đoạn lấy ý kiến của ban, ngành có liên quan. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội tạm dừng tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2020. Cùng với đó, lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2021 cũng chưa thực hiện được, vì phải ưu tiên nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế.

Từ nội dung nêu trên, trên cơ sở tham khảo ý kiến của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT, Sở xin ý kiến của UBND tỉnh “xem xét cho chủ trương tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ”. Sau thời gian tạm chi trả, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên ở Tây Ninh tiếp tục được thực hiện. Những nơi nào dừng chi trả đều đã chi trả đầy đủ chế độ này đối với giáo viên.

Kể từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực và một số nghị quyết trước đó do Trung ương ban hành, sau nhiều luồng ý kiến khác nhau cùng với diễn biến khó khăn của nền kinh tế bởi đại dịch Covid- 19, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên vẫn tiếp tục được thực hiện. Nghị quyết 27 của Trung ương nêu rõ, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề, trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức.

Như vậy, sau 6 năm kể từ ngày Nghị quyết 27 ra đời, hai nội dung quan trọng, có tính “cách mạng” về tiền lương chưa thực hiện được, gồm trả lương theo vị trí việc làm và bãi bỏ mức lương cơ sở. Trong đó, việc xây dựng vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm cực kỳ phức tạp. Do chưa thể thực hiện cải cách tiền lương triệt để, toàn diện, việc giữ nguyên chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên được nhìn nhận là hợp lý.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chua-bo-phu-cap-tham-nien-doi-voi-giao-vien-mot-quyet-dinh-hop-ly-a175033.html