Chùa Bộc - nét cổ kính rêu phong ngay trong lòng Hà Nội
Đến thăm Chùa Bộc, cánh cửa màu đen nằm dưới cổng Tam Quan ghi dấu vòng quay lịch sử của nước non Đại Việt. Lữ khách phương xa ai đã quen thú tiêu dao với những nơi viên âm đài các thì xin cứ chậm chậm tiến vào.

Ngôi chùa cổ xưa ấy đã có từ ngàn năm trên đất Thăng Long. Thuở còn nguyên sơ, chùa chỉ là căn nhà gỗ nhỏ nơi trú ngụ của một vài vị tăng sư. Một ngày có chim chiều đến lượn quanh bên vườn trúc. Sáng chim bay đi, đêm về trú ngụ. Đất lành ấy đức Phật khai quang. Trên có mây trời lồng lộng, dưới có thủy mộc giao hòa, ong bướm vờn hoa, tăng sư gõ mõ. Chùa nằm gần bên chân núi Loa Sơn giáp đồn Khương Thượng xưa. Nay là quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Nhắc đến Chùa Bộc người ta không khỏi không viện dẫn các tư liệu liên quan đến trận chiến Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung đại phá quân Thanh.
Tên gọi Chùa Bộc có tự bao giờ. Những tư liệu lịch sử cách nay mấy trăm năm chỉ dẫn rằng: Chùa Bộc đơn giản chỉ là nơi thờ Phật nằm cạnh núi Loa Sơn. Sau trận đại chiến Kỷ Dậu, tướng nhà Thanh Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử lúc thua trận. Quanh chùa xác giặc chết phơi trắng như rạ. Âm hồn quân Thanh bị các Thánh quân nước Nam quản giữ. Vua Quang Trung cho nâng cấp Chùa Bộc. Chữ Bộc trong âm nghĩa Hán tự chính là "Phơi bày". Chùa Bộc có nghĩa nôm na là chùa dựng trên nơi xác quân giặc chết phơi bày. Đến thăm Chùa Bộc, cánh cửa màu đen nằm dưới cổng Tam Quan ghi dấu vòng quay lịch sử. Khách phương xa quen với thú tiêu dao mà chậm chậm chân bước.
Vết thời gian mang màu rêu phủ tạo nên sự bâng khuâng trong hư và thực. Khói nhang vẫn tỏa. Từng hạt sương trên cánh nụ lộc vừng vẫn đọng. Đứng trước sân chùa phóng tầm nhìn bao quát. Màn sương bàng bạc phủ lấy vai áo người đi. Khói hương mỏng nhẹ lởn vởn quanh chân tháp. Phía trước mặt là hồ Tắm Tượng với màu xanh của rêu rong in soi bóng tháp. Nơi đây từng ghi dấu những chiến công oanh liệt của đội tượng binh Tây Sơn một thời. Lúc Đồn Khương Thượng bị quân Tây Sơn đại phá. Xác giặc phơi trắng một vùng. Máu người nhuộm đỏ chân voi. Sử sách ghi rõ quanh cả một vùng sát khí nặng nề. Vua Quang Trung thấy vậy cho xây một miếu nhỏ gọi là Thanh Miếu để âm hồn quân Thanh trú ngụ.
Câu ca của người Hà Nội xưa nói rằng: "Đống Đa ghi dấu nơi đây - Bên kia Thanh miếu, bên này Bộc am". Trước đó vua Quang Trung cũng lấy hồ này làm nơi tắm rửa cho đội tượng binh thời ấy. Hồ Tắm Tượng cũng có tên gọi từ đó mà ra.

Chùa Bộc có hai dãy nhà chính. Một làm nơi thờ Phật và một làm nơi sinh hoạt của tăng ni Phật tử. Ngày thường không gian thờ Phật ít khi mở cửa. Lác đác sân chùa vài vũng nước đọng lại qua màn đêm sương trên tàn cây rơi xuống. Sân Chùa Bộc có một loài hoa mang mùi đặc trưng của chốn Hà Thành. Đó là hoa Sói. Hoa nhỏ li ti, nở vào sáng sớm và cả đêm. Mùi thơm của hoa Sói thanh nhẹ nhưng bền lâu. Hương Sói có thể phát tán ra quanh khu vực vương vào áo, tóc và nón áo người đi. Khách phương xa lần đầu đến Chùa Bộc không khỏi ngỡ ngàng và tò mò bởi các trụ tháp cổ quanh sân chùa và cả hai tấm bia đá được khắc ghi từ thời vua Quang Trung. Hai tấm bia này có lẽ là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của nhà Tây Sơn. Bia trơ như đá nhưng cũng đang bị bào mòn bởi bàn tay vô thức của con người hiện đại mỗi lần đến viếng chùa với tay sờ vào. Các hàng chữ trên bia mòn dần theo thời gian mà ít ai để ý. Trong chùa cũng còn một tấm bia và một quả chuông có hiệu đề Quang Trung niên tứ (1792) và Cảnh Thịnh (Quang Toản) hiệu đề. Bia và chuông chùa này được phát lộ vào năm 1959 lúc chùa được trùng tu sửa chữa.

Chùa Bộc cũng là nơi từng chứng kiến nhiều bước thăng trầm của bánh xe lịch sử giữa hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (Gia Long). Năm 1802 vua Gia Long nhất thống thiên hạ. Đại đa số công trạng và chứng tích liên quan đến dòng tộc, nơi thờ phụng nhà Tây Sơn đều bị triệt hạ. Các miếu mạo đình chùa, các thư tịch, thư án và cả hoàng thân quốc thích đều không khỏi số phận diệt vong. Chùa Bộc cũng không nằm ngoài đích hướng tới của vua Gia Long. Nhưng do đơn giản chỉ là nơi thờ Phật nên nơi đây cũng có thiệt hại ít nhiều. Các di chỉ, chứng tích vẫn còn nhưng dưới dạng một hình thức khác hơn. Tượng vua Quang Trung được thờ bằng hình thức tượng Đức Ông. Tượng Đức Ông uy phong lẫm liệt một chân trong hài một chân để ngoài theo thế tự nhiên. Hai bên có tượng tả hữu trên đầu là chữ Tâm bằng Hán tự khá lớn. Giới quan sát đời sau cho rằng bốn chữ "Uy phong lẫm liệt" trên bức hoành phi treo trong Chùa Bộc và tượng Đức Ông, cùng hai tấm bia đá ở cổ tháp trước sân chính là tư liệu nói về vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn sót lại trong chốn nhân gian.

Về thăm Chùa Bộc ngoài phong thu chi vị để lòng người diện kiến cửa Phật cho tâm thanh tịnh. Du khách còn chiêm ngưỡng nét cổ kính rêu phong của một nơi khoác áo thời gian ngay trong lòng Hà Nội. Quan trọng hơn là để biết được nơi đây vốn dĩ hội tụ sự dung hòa của Trời - Đất mà hướng thiện cho con người đến cửa từ bi. Không phải ngẫu nhiên gì mà vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh lại cho xây dựng Thanh Miếu. Không phải vô cớ mà vua Gia Long sau khi nhất thống cơ đồ lại để tượng Đức Ông tồn tại.
Trong quan điểm của người xưa có lẽ đã ngộ ra chữ Nhân trong chữ Hòa mà tâm niệm bao dung là vậy. Phàm là việc lớn thì các bậc tiền nhân của chúng ta vẫn dành một ý riêng cho chữ Nghĩa trong đời với người đã khuất là vậy. Một lần khách đến, vạn lần khách qua, tiếng trầm hùng của non sông vẫn còn đó.
Chùa Bộc nơi lòng thủ đô Hà Nội vẫn còn đây như một minh chứng của thời gian. Hãy một lần đến để cảm nhận điều này khi ai đó có dịp về với thủ đô Hà Nội như thế.