Chưa cần đeo khẩu trang trong lớp khi không có chùm ca mắc Covid-19
Lớp không có học sinh mắc Covid-19, khoảng cách ngồi đảm bảo an toàn, chưa cần thiết phải đeo khẩu trang suốt thời gian ở trường.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (7-14/4), số ca mắc Covid-19 tại thành phố là 1.302 ca, tăng 6 lần so với tuần trước đó. Trung bình mỗi ngày có 196 ca mắc Covid-19.
Các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh của các F0 vào thăm khám, điều trị. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội) đang điều trị 147 ca Covid-19, trong số này có 16 ca phải thở máy, 45 trường hợp thở oxy. Đây là các bệnh nhân được chuyển về từ khắp các tỉnh thành miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Nhiều bệnh nhân bị lây nhiễm chéo khi nằm điều trị bệnh khác trong các bệnh viện. Các trường hợp diễn biến nặng phải hỗ trợ hô hấp tại cơ sở y tế này đều thuộc nhóm cao tuổi, có bệnh nền.
Trước tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam có diễn biến mới, một số trường học tại Hà Nội đã yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trong lớp học.
Chị Mai Thị Thúy Hằng (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con đang học lớp 3 cho biết tuần qua, nhà trường liên tục thông báo tới các phụ huynh về việc phòng chống Covid-19. Mỗi ngày, chị Hằng phải chuẩn bị cho con một bình nước riêng và 2 chiếc khẩu trang.
Con trai bị loạn thị nên việc đeo khẩu trang khiến kính của bé mờ liên tục, khó tập trung học tập hơn. Phụ huynh này cho rằng trẻ nhỏ ăn uống buổi trưa, ngủ bán trú cùng nhau nên việc đeo khẩu trang lúc ngồi học là không cần thiết. Việc này khiến trẻ khó chịu.
Không cần đeo khẩu trang khi lớp không có học sinh mắc Covid-19
Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết hiện nay, tùy theo tình hình dịch cụ thể sẽ có các biện pháp ngăn lây lan dịch. Về mặt chuyên môn, việc đeo khẩu trang trong môi trường đông người là cần thiết để giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, các trường học cần đánh giá nguy cơ cụ thể tại cơ sở đó.
Ví dụ, một số cơ sở giáo dục ghi nhận chùm ca mắc Covid-19 cần cho học sinh đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên để ngăn ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên, lớp không có học sinh mắc Covid-19, khoảng cách ngồi của học sinh an toàn, chưa cần thiết phải đeo khẩu trang suốt quá trình học.
Hiện nay, quan điểm của Bộ Y tế là phòng chống dịch ngay từ cơ sở. Các biện pháp dự phòng tùy từng trường hợp cụ thể, nguy cơ ở mức độ nào thực hiện phòng bệnh ở mức độ đó, không có công thức cho tất cả lớp học, địa phương.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cơ sở giáo dục cần phối hợp với ngành y tế lựa chọn phương án không làm lây lan ca bệnh, đồng thời không ảnh hưởng tới việc học của trẻ.
Trẻ 5-17 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi thì nên tiêm ngay. Để dịch bệnh không lây lan, bác sĩ Hoàng đề xuất ngành y tế Hà Nội cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ nguy cơ tái mắc Covid-19, thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
"Số ca mắc tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát"
Trước đó, đánh giá về tình hình dịch Covid-19, tại buổi họp báo ngày 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết với số mắc hiện nay, nếu đánh giá về sơ bộ về cấp độ dịch tại từng địa phương, tất cả “đang màu xanh”, có nghĩa là không vượt qua cấp độ 1. “Số ca mắc tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, ông Lân khẳng định.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết đến nay, Omicron vẫn là biến thể chủ đạo, biến thể phụ xuất hiện nhiều nhưng không làm gia tăng nguy cơ chuyển nặng.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần theo dõi sát các số liệu, đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết và phòng chống. Cấp độ dịch này có ý nghĩa, ở cấp xã, phường, phát hiện sớm nhất, khoanh vùng hiệu quả nhất, xử lý dịch tại nguồn để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội. Điều đó phụ thuộc lớn vào các địa phương, tránh sự hoang mang cũng như chủ quan của người dân.
Theo ông Lân, dự báo của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu, tránh quá tải hệ thống y tế. “Mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả. Cần tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, ông Lân nhấn mạnh.