Chùa chung, ai khóc?

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), khẳng định với Tiền Phong, hằng năm Bộ VHTTDL đều có văn bản khuyến cáo về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đó có nội dung về phòng chống cháy, nổ tại các di tích. Câu chuyện về trách nhiệm cũng được nêu rõ trong Luật Di sản văn hóa (45/2024/QH15) được Quốc hội thông qua năm 2024, có hiệu lực từ 1/7/2025.

Đình, đền, chùa... được kiểm kê và xếp hạng di tích đều là di sản văn hóa, được quy định rõ trong luật là “tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân”. Điều 4 Luật Di sản văn hóa quy định: “Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân...”.

Bảo vật quốc gia bộ tượng Tam thế Phật được thờ tại chùa Côn Sơn (Hải Dương). Hàng nghìn di vật có giá trị đang được lưu giữ tại các chùa, di tích hằng ngày phải đối mặt nguy cơ bị hỏa hoạn, trộm cắp.

Bảo vật quốc gia bộ tượng Tam thế Phật được thờ tại chùa Côn Sơn (Hải Dương). Hàng nghìn di vật có giá trị đang được lưu giữ tại các chùa, di tích hằng ngày phải đối mặt nguy cơ bị hỏa hoạn, trộm cắp.

Đa số đình, chùa có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật được kiểm kê, xếp hạng đều thuộc sở hữu toàn dân. Chuyên gia văn hóa nêu thực trạng, công tác phòng cháy ở đa phần di tích còn sơ sài, thiếu kỹ năng ứng phó và đặc biệt thiếu nhân sự đảm trách các khâu đảm bảo an ninh, an toàn hằng ngày ở các di tích. Thường chỉ các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt hoặc các di tích được địa phương đầu tư mới có bộ máy quản lý di tích với đầy đủ chức năng, được phân công phân nhiệm vụ rõ ràng, được đầu tư trang thiết bị đầy đủ hơn. Còn lại rất nhiều ngôi chùa làng, đình làng không đủ cơ sở vật chất và bộ máy đảm bảo các điều kiện bảo quản di tích, di vật. Sư trụ trì, người trông coi đình, đền... cũng không thể đủ sức đảm bảo an ninh, an toàn cho di tích.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa trao đổi với PV Tiền Phong rằng, điều may mắn là tổ soạn thảo đã đưa nội dung về trách nhiệm đối với di tích vào Luật Di sản văn hóa (2024). Đây là cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn quy định trách nhiệm về việc quản lý, bảo vệ di tích. Theo đó, Điều 32 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nêu: Di tích thuộc sở hữu toàn dân phải có tổ chức được giao quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Một trong những bất cập được các chuyên gia văn hóa nêu ra chính là sự “bất bình đẳng” giữa di vật được lưu giữ tại bảo tàng và di vật, hiện vật tại các di tích. Bảo tàng có cả hệ thống kho bảo quản, trang thiết bị và quy trình bảo quản hiện vật chặt chẽ. Tuy nhiên, phần lớn di vật, cổ vật tại chùa đều trong tình trạng “chùa chung không ai khóc”, rất dễ bị đánh cắp, chảy máu cổ vật. Trong trường hợp di tích gặp hỏa hoạn hoặc nạn trộm cắp, gần như không có cơ hội cứu vãn, khôi phục các di vật.

Đây cũng là một trong những nội dung được khắc phục, đưa vào Luật Di sản văn hóa. Điều 46 về yêu cầu bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nêu: “Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân cần phải được bảo vệ, bảo quản như: Bảo đảm đầy đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp và nguy cơ khác có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Hành lang pháp lý này được kỳ vọng mang lại các điều kiện về bảo vệ, bảo quản di tích chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Trong công văn số 588 ngày 18/2, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang: “Thực hiện nghiêm chỉ đạo của VHTTDL tại các Công văn số 2888/BVHTTDL-DSVH ngày 4/8/2022 về tăng cường phòng chống thiên tai, cháy, nổ trộm cắp ở bảo tàng và di tích và Công văn số 5672/BVHTTDL-VP ngày 25/12/2024 về tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Địa phương phải kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và các yếu tố có thể gây cháy, nổ tại các di tích, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ các hoạt động thờ cúng, sinh hoạt tại di tích”.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng chống cháy nổ cho người dân; tổ chức huấn luyện phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, nhân viên, người trực tiếp trông coi di tích và những người có liên quan; vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi có nguy cơ gây cháy, nổ.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chua-chung-ai-khoc-post1719081.tpo