Chưa có mã ngành Kiểm lâm, chi cục tuyển xong mất nhiều thời gian đào tạo lại
'Nếu đào tạo bậc đại học ngành Kiểm lâm, với mã ngành độc lập, sẽ có thể đào tạo nâng cao và chuyên sâu hơn' - đại diện một Chi cục Kiểm lâm cho biết.
Chưa có mã ngành đào tạo là một trong những nguyên nhân khó tuyển dụng
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, các ngạch công chức chuyên ngành kiểm lâm hiện nay gồm: Kiểm lâm viên chính (mã số: 10.225); Kiểm lâm viên (mã số: 10.226); Kiểm lâm viên trung cấp (mã số: 10.228).
Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số đơn vị, việc tuyển dụng công chức đối với chuyên ngành kiểm lâm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong số những nguyên nhân chính được chỉ ra là do ít hồ sơ tuyển dụng và nhân sự chủ yếu được đào tạo từ các ngành khác, sau khi tuyển dụng, phải tổ chức đào tạo bổ sung.
Qua tìm hiểu, công tác tuyển dụng các kiểm lâm viên không chỉ là khó khăn riêng tại các Chi cục Kiểm lâm, mà còn là khó khăn chung tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tú Phiệt - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Vườn Quốc gia Cát Tiên) cũng không ngần ngại chia sẻ: “Thực trạng tuyển dụng ngành này những năm gần đây không mấy khả quan. Một trong những nguyên nhân do đặc thù công việc có những vất vả, khó khăn, môi trường làm việc thường ở rừng núi hẻo lánh, xa xôi, hiểm trở, chưa kể có những lúc phải đối mặt với các đối tượng tội phạm rất manh động và nguy hiểm.
Nguyên nhân thứ hai khiến không thu hút được nhân sự là do thu nhập chưa tương xứng với những vất vả, cực khổ.
Chưa kể, trong số 6 vườn quốc gia trực thuộc Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) gồm: Bạch Mã, Ba Vì, Cát Tiên, Cúc Phương, Tam Đảo, Yok Don thì có 4 vườn quốc gia tự chủ chi thường xuyên, dẫn đến tuyển dụng càng gặp khó.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến các đơn vị “khan hiếm” nguồn tuyển, do kiểm lâm viên hiện nay đang chủ yếu tuyển dụng từ các ngành học của các cơ sở đào tạo về lâm nghiệp, một số ngành có thể kể đến như: Lâm sinh, Quản lý bảo vệ rừng. Hai ngành này chính là hai ngành chủ lực, ngoài ra, cũng có một số ngành khác nhưng không đáng kể đó là ngành Luật, Quản lý đất đai...
Những lực lượng này, khi còn là những sinh viên mới tốt nghiệp, còn non trẻ và chưa có kinh nghiệm, nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vừa nghiên cứu thêm vừa học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng yêu cầu công việc thực tế”.
Theo Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính (Vườn Quốc gia Cát Tiên), chính vì vậy, sau khi tuyển dụng đội ngũ trên, sẽ chưa thể thực hiện nhiệm vụ ngay, mà cần có thời gian tập huấn, làm quen trước.
Đào tạo về chuyên ngành Kiểm lâm là cần thiết
Cũng theo ông Nguyễn Tú Phiệt, trước đây, có một số trường trung cấp, cao đẳng đào tạo một ngành riêng về Kiểm lâm; tuy nhiên, sau đó việc đào tạo kiểm lâm đã trở thành thuộc ngành Quản lý tài nguyên rừng.
Qua khảo sát một số website tại các trường đại học như: Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế),... ngành Quản lý tài nguyên rừng hiện nay được giới thiệu là “đào tạo kỹ sư có chuyên môn về lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng”.
“Hi vọng tới đây, có thể đào tạo bậc đại học đối với ngành học Kiểm lâm, với mã ngành đào tạo độc lập để tạo thuận lợi cho đào tạo nâng cao và chuyên sâu hơn về mảng bảo vệ rừng", ông Phiệt chia sẻ.
Còn thực tiễn triển khai tại đơn vị, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn) cho biết: “Trong mấy năm gần đây, Chi cục Kiểm lâm ngoài tuyển dụng những người học ngành Lâm nghiệp (với các chuyên ngành như Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng, Nông lâm kết hợp...), thì cũng tuyển thêm ngành Luật hoặc Kinh tế lâm nghiệp.
Thực tế, các vị trí này cũng phát huy được năng lực, vì trong ngành kiểm lâm hiện nay cũng bao trùm nhiều lĩnh vực như tuyên truyền pháp luật, hay xây dựng các dự án, đề án để phát triển kinh tế... Tuy nhiên, để nói về các kiến thức chuyên sâu như nghiên cứu về rừng, bảo vệ rừng, thì những cán bộ này thường sẽ gặp khó khăn.
Chính vì vậy, nếu có một chuyên ngành nằm trong ngành Lâm nghiệp, mà đào tạo theo xu hướng với những kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu cho ngành kiểm lâm, thì quả thực rất cần thiết. Theo đó, đối với chuyên ngành Kiểm lâm, cần khảo sát từ thực tiễn, xem yêu cầu thực tế đối với một kiểm lâm viên cần những gì. Từ đó, có thể xây dựng chương trình đào tạo với những bộ môn phù hợp. Chẳng hạn, tăng cường các bộ môn như luật, kinh tế lâm nghiệp để vừa tạo nền tảng pháp chế vừa phát triển kinh tế... để đáp ứng nhu cầu thực tiễn”.
Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn) cũng nhấn mạnh: “Cần thiết phải có mã ngành đào tạo Kiểm lâm nhưng cũng cần tính đến bài toán “đầu ra” cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, để ngày càng thu hút được người học, thu hút được nhân lực ngành này”.
Trường Đại học Lâm nghiệp cần là nơi tiên phong đào tạo ngành Kiểm lâm
Những khó khăn trên cũng là vấn đề tương tự tại Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên). Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Cẩm Long - Chi cục trưởng cho biết: “Những năm qua, đơn vị tuyển dụng chủ yếu là người học tốt nghiệp các trường về lâm nghiệp hoặc nông - lâm, với những chuyên ngành như Lâm sinh, Quản lý bảo vệ rừng, Luật... Tuy nhiên, với những vị trí này sau khi tuyển dụng, Chi cục lại mất thêm một khoảng thời gian đào tạo chuyên môn.
Chẳng hạn, đối với chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng, người học chủ yếu chỉ nắm chắc về tài nguyên rừng, còn lâm sinh lại không nắm được nhiều, mặc dù có thể có môn học nhưng thực tế không hiểu sâu, nên khi hoạt động thường gặp khó khăn, phải tự tìm hiểu, trau dồi”.
“Nếu có thể mở mã ngành đào tạo đại học chính quy về Kiểm lâm, tôi cho rằng là một bước đi rất tích cực.
Tuy nhiên, lĩnh vực kiểm lâm là tổng hợp công tác quản lý, phát triển bảo vệ rừng, và dân sinh, tài nguyên cũng là một phần trong đó... Chúng ta cần tính toán làm sao để đủ các bộ môn phục vụ chuyên ngành.
Và theo tôi, Trường Đại học Lâm nghiệp phải là tiên phong có mã ngành đào tạo hệ đại học chính quy đối với lĩnh vực Kiểm lâm” - ông Lê Cẩm Long bày tỏ.