Chưa có quy định cụ thể trong pháp luật về hành lang an toàn điện gió được xem xét đền bù
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về bảo vệ an toàn công trình điện gió và bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể trong pháp luật về hành lang an toàn điện gió được xem xét đền bù theo pháp luật về đất đai.
Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi thảo luận, liên quan đến kiến nghị của cử tri về bảo vệ an toàn công trình điện gió và bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió, đại biểu Siu Hương cho biết, trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới chỉ đề cập tới việc bồi thường về đất, chưa đề cập tới bồi thường tài sản trên đất. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ tham mưu Chính phủ có giải pháp như thế nào để trả lời cử tri tỉnh Gia Lai.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin về ý kiến của đại biểu Siu Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai về việc đền bù, hỗ trợ trong phạm vi 300m từ công trình điện gió. Bộ trưởng cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể trong pháp luật về hành lang an toàn điện gió được xem xét đền bù theo pháp luật về đất đai. Những công trình nằm trong phạm vi cột điện gió thuộc đối tượng thỏa thuận với chủ đầu tư.
Hơn nữa, khái niệm “khu dân cư” được quy định tại Nghị định số 14 năm 2014 đến nay cũng đã bị bãi bỏ và thay thế bởi Nghị định 51, nên chưa thật rõ khái niệm về khu dân cư cũng như các công trình kiến trúc trong khu vực này. Ngoài ra, trong quá trình triển khai các dự án điện gió, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa quan tâm và chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành…
Về hướng giải quyết những vấn đề đang tồn tại, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp như sau: Thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo số 2824 ngày 24 tháng 04 năm 2023, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có quy định hành lang bảo vệ an toàn ngoài các công trình công cộng, quốc phòng an ninh đã được quy định trong Luật Đất đai hiện hành.
Trong khi chờ sửa đổi bổ sung luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu trình Chính phủ hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đất, tài sản trên đất nằm trên khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió. Như vậy, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giải quyết vấn đề này.
Cũng tại Quốc hội, trả lời vấn đề đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) nêu về vướng mắc tại khu vực chồng lấn liên quan đến quy hoạch boxit trước kia nay là quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Diên cho biết: Hiện nay vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và triển khai đến tất cả các địa phương. Theo quy định, các quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch ngành, quốc gia, trường hợp các quy hoạch của tỉnh mâu thuẫn bao gồm cả việc chồng lấn quy hoạch với quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành, cần phải được rà soát, điều chỉnh theo quy định tại Nghị quyết 61 năm 2022 của Quốc hội.
Đối những dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng trong quá trình thực hiện có vướng mắc, trong đó có vấn đề chồng lấn về diện tích sử dụng đất, đề nghị các địa phương rà soát kỹ để điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp, cũng như xử lý những vướng mắc trong thẩm quyền của mình. Những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.