Chưa có quy định về việc quy đổi giữa các loại chứng chỉ ngoại ngữ
Để tránh chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học, người lao động, Bộ GD - ĐT cần sớm có quy định, hướng dẫn về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ trong nước và quốc tế.
Theo quy định tại Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT, các chứng chỉ ngoại ngữ trong nước đã cấp theo quy định tại Quyết định 30/2008 được đề xuất quy đổi theo Công văn 6089/BGDĐT-GDTX ngày 27/10/2014 do Bộ GD - ĐT ban hành. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động hiện nay lại không căn cứ vào các các chứng chỉ ngoại ngữ này hay khung 6 bậc mà đều sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế phổ biến trong tuyển dụng.
Để tránh chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học, người lao động, Bộ GD - ĐT cần sớm có quy định, hướng dẫn về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ trong nước và quốc tế.
Hiện nay, rất nhiều các trường đại học, cao đẳng trong quy định chuẩn đầu ra đều bắt buộc sinh viên phải có trình độ tiếng Anh đáp ứng được yêu cầu thì mới cho phép ra trường. Việc quy định công nhận chứng chỉ nào để đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra là phụ thuộc tùy từng trường. Nhưng sau khi đáp ứng chuẩn đầu ra của từng trường, đến khi nộp hồ sơ đi xin việc, mỗi đơn vị tuyển dụng lại đòi hỏi các chứng chỉ ngoại ngữ khác nhau khiến cho người lao động có thể phải một lần nữa đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để đi thi; gây tốn kém, lãng phí.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD - ĐT, hiện chưa có quy định về việc quy đổi tương đương giữa chứng chỉ ngoại ngữ do tổ chức nước ngoài cấp với chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 01 ngày 24/1/2014 của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT.
Tuy nhiên, khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước. Mức độ tương thích giữa CEFR và khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam như sau: Cấp độ A1, A2, B1, B2, C1, C2 theo khung CEFR lần lượt tương thích với bậc 1, bậc 2, bậc 3, bậc 4, bậc 5, bậc 6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam. Vì vậy, điểm bài thi IELTS được công nhận tham chiếu tương đương với khung CEFR thì có thể quy đổi tương đương sang khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
Liên quan đến chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ, Cục Quản lý chất lượng cho rằng, hiện tại, Việt Nam chưa có đơn vị nào được cho phép tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ cho người nước ngoài và cũng chưa có quy định về việc công nhận chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh do tổ chức nước ngoài cấp.
Trên thế giới, có một số chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh đã được kiểm định, công nhận và sử dụng khá phổ biến như chứng chỉ TESOL được kiểm định bởi Tổ chức ALAP, chứng chỉ TEFL của Gatehouse Awards và chứng chỉ CELTA của Cambridge Assessment English được kiểm định bởi Văn phòng Quản lý quy chế thi và trình độ Vương quốc Anh. Vì vậy, Cục Quản lý chất lượng đề nghị Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội xem xét và có thể chấp nhận các chứng chỉ này là điều kiện để cấp giấy phép lao động đối với giáo viên là người nước ngoài.