Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người dân cần cẩn trọng với nguy cơ ngộ độc nấm
Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc nấm, trong đó đã có trường hợp tử vong. Các bác sĩ cảnh báo, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với ngộ độc nấm, do đó người dân cần cẩn trọng trong việc sử dụng nấm làm thức ăn.
Trong tuần qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 2 trường hợp trẻ em bị ngộ độc nấm nặng. Đó là bé trai P.H.T (12 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn nấm mọc lên từ xác ve sầu. Bé trai được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng nặng, rối loạn tri giác, rối loạn nhịp tim, tim đập chậm, tổn thương gan thận. Sau khi được các bác sĩ điều trị tích cực, hiện tình trạng của cháu bé đã dần ổn định trở lại và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Cùng thời gian, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận bé N.T.K (10 tuổi) từ Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh trong tình trạng rất nặng. Cháu bé nhập viện trong tình trạng nặng suy đa tạng, suy thận, suy gan, rối loạn thần kinh. Người nhà cho biết, cháu bé ở với ông bà nội và có ăn cháo nấm không rõ loại. Hiện cháu bé vẫn chưa qua giai đoạn nguy hiểm, các bác sĩ đang phải lọc máu và thay huyết tương để thải bớt độc tố trong máu, hạn chế tổn thương thêm các nội tạng.
Trước đó, ngày 6/6, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận 3 trường hợp là người trong một gia đình gồm bố, mẹ và con gái bị ngộ độc nấm không rõ loại được chuyển đến từ tỉnh Tây Ninh. Được biết, cả gia đình đã ăn món mướp xào nấm hái được ở trong rẫy. Sau ăn, ba người trong gia đình lần lượt bị đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng và vào điều trị ở bệnh viện địa phương. Sau đó, cả 3 tiếp tục được chuyển lên tuyến trên do tình trạng ngày càng nặng. Trong quá trình chuyển viện, người chồng bị khó thở, suy hô hấp nặng và tử vong ngay tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Người vợ và con gái được nhập viện điều trị nhưng đến ngày 12/6, người vợ cũng tử vong. Hiện người con gái đang được tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy gan cấp kèm rối loạn đông máu.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc xác định loại nấm và độc tố khiến 2 vợ chồng ở Tây Ninh tử vong là vô cùng khó khăn bởi người nhà không cung cấp được chính xác mẫu nấm mà người bệnh đã ăn phải. Trong khi đó, nấm độc có rất nhiều độc tố khác nhau, mỗi loại độc tố lại tác động lên cơ quan khác nhau, gây ra ảo giác, rối loạn tri giác, suy thận, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan…Ngộ độc nấm có thể khởi phát ngay hoặc từ 8-12 giờ sau khi ăn phải nấm độc. Mặc dù vậy, đôi khi các triệu chứng nhẹ như đau bụng, nôn ói...sau ăn nấm có thể bị bỏ qua, không đến bệnh viện dẫn đến tình trạng nặng hơn. Các độc tố của nấm nói chung khi vào trong máu sẽ gây rối loạn dẫn truyền hệ thống thần kinh, gây tổn thương gan, thận. Nạn nhân có thể tử vong nếu hàm lượng độc tố cao.
Theo các bác sĩ, hiện nay gần như tất cả những độc chất trong nấm không có thuốc kháng độc tố đặc hiệu. Các bác sĩ chỉ có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ như suy hô hấp thì cho thở máy, suy đa tạng sẽ được lọc máu, thay huyết tương… để thải bớt độc tố. Bệnh nhân sau khi được cứu sống bởi ngộ độc nấm ít nhiều sẽ có di chứng do hệ thần kinh đã bị tổn thương và suy đa tạng trước đó. Các bác sĩ cũng cảnh báo, nấm thường sinh trưởng rất nhanh vào mùa mưa, người dân một số nơi có thói quen thu hoạch nấm dại và chế biến thức ăn. Người dân chỉ nên sử dụng các loại nấm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định và xác nhận của các cơ quan quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng hay chế biến các loại nấm lạ, nấm có màu sắc vì nguy cơ đó là nấm độc rất cao.