Chưa hết khó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu lại lao đao vì tỷ giá
Từ đầu năm đến nay, thị trường toàn cầu phục hồi khiến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp khởi sắc. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế - chính trị phức tạp và xung đột vũ trang đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại. Doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rủi ro.
Chi phí nguyên liệu cao, vận chuyển đắt đỏ
Từ đầu năm đến nay, thị trường toàn cầu hồi phục nên hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp khởi sắc khi có thêm nhiều đơn hàng được ký kết. Tuy nhiên, bối cảnh phức tạp và xung đột vũ trang đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại. Doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rủi ro.
Đa số lượng hàng hóa xuất khẩu đi Bờ Đông nước Mỹ, Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, nên để qua kênh đào này, buộc các tàu phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, với hành trình mất thêm từ 7-10 ngày kéo theo chi phí vận tải tăng cao.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2024, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển dự báo sẽ trở nên đắt đỏ hơn thời gian trước do xung đột ở Trung Đông và các hạn chế hoạt động trên Kênh đào Panama. Các cuộc tấn công đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại quốc tế trên tuyến đường quan trọng giữa châu Âu và châu Á, nơi chiếm khoảng 15% lưu lượng vận tải biển trên thế giới.
Thực tế cho thấy, tình trạng căng thẳng leo thang ở biển Đỏ làm cho các hãng tàu phải di chuyển đường vòng, kéo theo đó, cước phí vận chuyển đi và đến một số thị trường xuất nhập khẩu tăng cao, kéo theo đó là lợi nhuận sụt giảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp làm ăn với các đối tác tại thị trường Mỹ, Canada, EU, Anh.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn khi đầu vào bị trì trệ, nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu bị chậm, dẫn đến tình trạng thiếu container rỗng cục bộ. Đó là còn chưa kể đến, giá cả một số mặt hàng đầu vào đang có xu hướng tăng.
Chưa thoát khỏi những khó khăn trên, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với câu chuyện “tỷ giá tăng”. Nguyên nhân được cho là do đồng đô la Mỹ tăng giá và nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến để chuẩn bị cho các hoạt động xuất khẩu đang dần "ấm" lên trong thời gian tới.
Tất nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu được nhận định sẽ hưởng lợi từ giá USD tăng cao. Song, điều đó chưa hẳn đúng với tất cả doanh nghiệp. Chia sẻ với phóng viên TBTCVN của ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Công ty May 10, cho thấy rõ biến động tỷ giá tăng vẫn gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp chuyên xuất khẩu này bởi chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị… đều tăng. Chưa hết, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp xuất nhập khẩu "đắt đỏ" hơn do tỷ giá.
Đáng chú ý, tỷ giá tăng đem đến bài toán đau đầu đối với những doanh nghiệp có đầu vào phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng nhập khẩu nguyên vật liệu trước đó nên khi biến động tỷ giá theo chiều hướng tăng sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng thêm. Thậm chí, USD tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ khiến tiền đồng mất giá, lạm phát tăng cao kéo theo nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Tăng cường nguồn hàng nội địa để thay thế
Trước tình hình trên, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình biến động, nhất là về giao thông quốc tế và tỷ giá; đồng thời linh hoạt trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.
Hiện các ngân hàng đều đang bán USD kỳ hạn cho doanh nghiệp xuất khẩu với mức giá thấp hơn giá giao ngay. Có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu khi mua kỳ hạn.
Còn theo đại diện Vitas, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng cần tiếp tục tìm kiếm phương thức vận chuyển khác ngoài đường biển để tránh sự phụ thuộc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, nguồn hàng nội địa thay thế; có phương án tiết kiệm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, doanh nghiệp Việt phải luôn luôn chú ý đến tỷ giá, thông qua đó để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và nếu có thể thì chủ động lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho mình. Mặt hàng nào bắt buộc phải nhập khẩu, doanh nghiệp có thể mua bảo hiểm tỷ giá để đảm bảo an toàn, tránh phát sinh ngoài dự báo.
Đồng thời, ông Hiếu cũng nhấn mạnh phương án doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu trong nước thay vì nhập khẩu để vừa nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng giá trị hàng hóa, vừa tránh rủi ro.../.