Chùa Huế cuốn hút du khách

Cùng với hệ thống di sản Huế, những ngôi cổ tự nằm ở vùng đất Cố đô đã trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch trong thời gian qua. Những ngôi chùa Huế không chỉ là điểm đến tâm linh quen thuộc với người dân trong vùng, mà giờ đây được các đơn vị lữ hành đưa vào tour và được du khách đón nhận một cách hào hứng.

Du khách nước ngoài chụp ảnh hồ bán nguyệt ở chùa Từ Hiếu

Du khách nước ngoài chụp ảnh hồ bán nguyệt ở chùa Từ Hiếu

Sống chậm lại trong không gian chùa Huế

Nếu như du lịch chùa Huế nổi tiếng với Thiên Mụ quốc tự trên đồi Hà Khê, hướng mặt ra sông Hương thơ mộng thì những ngôi chùa nằm ở nhiều nơi khác cũng được du khách tìm đến, khám phá theo cách riêng.

Một chiều cuối tháng 3, rất đông khách Tây, ta tìm về ngôi cổ tự Từ Hiếu trên ngọn đồi Dương Xuân (đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa). Trong không gian cổ kính và đậm chất vườn Huế, sau khi lễ Phật, nhiều du khách đã thong dong ngắm cảnh chùa với hệ thống các ngọn đồi, sân vườn, hồ bán nguyệt, nhà chuông và nghĩa trang thái giám…

Không xô bồ, ồn ào mà thay vào đó cái tĩnh lặng, tiếng thông reo vi vút như cuốn hút với những ai đặt chân đến đây. “Rất nhiều ngôi chùa ở Huế, trong đó có chùa Từ Hiếu thật tuyệt vời. Bên cạnh khung cảnh tuyệt đẹp, mọi thứ ở đây xứng đáng để du khách dừng chân lại thật lâu, để được đắm chìm trong không gian yên tĩnh, để “chữa lành” trước những ồn ào của nhân thế”, chị Nguyễn Kim Thanh - một du khách đến từ Hà Nội tâm tình.

Đến Huế rất nhiều lần nhưng lần nào chị Thanh cũng tìm đến chùa Từ Hiếu. Hệ thống cảnh quan và kiến trúc truyền thống của chùa Huế nói chung và Từ Hiếu nói riêng đã cuốn hút chị ngay từ khi đặt chân qua khỏi cổng tam quan. “Chùa Huế mang những nét đặc thù, rất riêng và không nơi nào có được. Ngôi chùa ở Huế được bài trí một cách khoa học, ngoài ngôi chánh điện nhỏ nằm ở giữa một khu vườn lớn thì bên trong không gian ấy, những cây cổ thụ, hồ nước… rất đẹp!”, chị Thanh nói.

Không riêng gì khách trong nước, ngôi chùa này thời gian qua đã đón rất nhiều du khách quốc tế. Theo quan sát của chúng tôi, bên cạnh khách lẻ còn có rất đông khách đoàn tìm đến Từ Hiếu và họ dành rất nhiều thời gian để dừng chân lại đây. Hầu hết đều có chung nhận định khung cảnh chùa tĩnh lặng như níu thời gian chậm lại để con người có thể hít thở, được cảm nhận không khí trong lành, bình yên.

“Phần nhiều chùa Huế nói chung và ngôi chùa Từ Hiếu này khung cảnh như chốn tiên cảnh trần gian. Bạn đặt chân vào đây như bước sang một thế giới khác. Mọi thứ nhẹ nhõm, nguồn năng lượng dồi dào hơn và thấy mình là chính mình”, bà Anna - một du khách đến từ Pháp trải lòng và khẳng định sẽ quay trở lại Huế để khám phá thêm nhiều ngôi cổ tự.

Thích tìm hiểu văn hóa Phật giáo

Nằm cách xa trung tâm Huế, hơn thập kỷ qua, chùa Huyền Không Sơn Thượng (phường Long Hồ, quận Phú Xuân) đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, ngày càng cuốn hút du khách thập phương. Ngôi chùa được mệnh danh “tiên cảnh trần gian” với cảnh sắc hữu tình, nằm trên núi cao mỗi ngày đón rất nhiều du khách đến tham quan.

Điểm nhấn của Huyền Không Sơn Thượng chính là hệ thống thư pháp và đủ loại phong lan được bài trí ở nhiều không gian bên trong như hớp hồn du khách. “Mọi thứ như chốn bồng lai tiên cảnh, hoang sơ nhưng ngăn nắp nhờ có bàn tay chăm chút của các thầy. Cả khu vườn của chùa như tác phẩm nghệ thuật”, anh Nguyễn Quý (TP. Huế) nhận xét khi đặt chân đến chùa Huyền Không Sơn Thượng.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch, anh Lê Đức Hoàng (hướng dẫn viên ở TP. Huế) cho hay, du khách Việt lẫn khách nước ngoài khi đến với vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử như Cố đô Huế ngoài tham quan hệ thống di sản còn rất muốn trải nghiệm ở các ngôi chùa. Có thể kể đến những ngôi chùa được du khách thường tìm đến như Thiên Mụ, Từ Hiếu, Thiền Lâm, Huyền Không Sơn Thượng… Ở đó, ngoài giá trị văn hóa, lịch sử thì du khách còn rất thích hệ thống cảnh quan. “Đặc biệt với khách nước ngoài, việc tìm hiểu văn hóa Phật giáo và đời sống tâm linh của người Huế là chủ đề rất được họ quan tâm. Vì thế, mà họ thường đăng ký tour hoặc tự tìm đến các ngôi chùa để tham quan”, anh Hoàng chia sẻ.

Từng dẫn khách đi hầu hết các ngôi cổ tự nổi tiếng ở Huế, anh Hoàng bảo rằng, khách Tây lẫn ta khi đặt chân đến đây đều có cảm giác thanh bình, không bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào của phố thị, đó chính là khoảng lặng vô cùng thú vị trong hành trình đi du lịch. Hướng dẫn viên này cũng thừa nhận “muốn hướng dẫn du khách đến các ngôi chùa, đó cũng là cách để bản thân thấy “chậm” lại trước những xô bồ của đời sống”.

Anh Lê Đức Hoàng cũng đưa ra lời khuyên, dù khách lẻ hay khách đoàn khi đến các ngôi chùa Huế tham quan cần phải lịch sự, tế nhị để phù hợp với “nhịp sống” của chùa. Ngoài ra, cần tuân thủ nội quy nhà chùa, không được tạo ra những hình ảnh phản cảm, không đẹp mắt.

“Ở góc độ người hướng dẫn viên, mình cũng mong phía các nhà chùa cung cấp thông tin về các hoạt động, các buổi lễ của chùa để du khách được biết và các hướng dẫn viên có thể nắm rõ thông tin, từ đó truyền tải đến du khách. Đó cũng là cách quảng bá giá trị văn hóa Huế nói chung và văn hóa Phật giáo xứ Huế nói riêng”, Hoàng tâm sự.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/chua-hue-cuon-hut-du-khach-152261.html