Hồi ký phóng viên chiến trường
Cuộc đời của một người lính trên mặt trận thông tin sống qua những năm tháng chiến tranh được nhà báo Trần Mai Hưởng thuật lại sống động trong cuốn hồi ký viết ở thời bình.

Các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN.
Trải qua 4 cuộc chiến tranh của thế kỷ 20, cả nước có khoảng 500 Nhà báo Liệt sĩ - những người đã ngã xuống trên các chiến trường khác nhau, vì sự nghiệp thống nhất, hòa bình, tự do cho dân tộc. Qua nhiều đối chiếu, số Nhà báo Liệt sĩ của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được xác nhận là hơn 260 người.
Sống sót trở về nhưng "luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt", nhà báo Trần Mai Hưởng kể lại đời mình trong Hồi ký phóng viên chiến trường: Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình.
Vinh dự nghề nghiệp đáng tự hào
Trong chiến tranh, để kịp thời có mặt và chứng kiến những sự kiện, người phóng viên thực sự là những chiến sĩ với hiểm nguy cận kề trong gang tấc. Có mặt kịp thời đã khó, mà tác nghiệp để đưa từng dòng tin, bức ảnh về cơ quan, tòa soạn lại càng đòi hỏi tinh thần vượt lên tất cả, không ngại hy sinh.
Không chỉ đối mặt với kẻ thù, đạn bom, người phóng viên còn phải đưa ra quyết định đấu tranh trong lằn ranh sống chết để hoàn thành sứ mệnh của “những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn”.

Tấm ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc lập 30/4/1975, tác phẩm để đời của nhà báo Trần Mai Hưởng.
Trần Mai Hưởng là phóng viên có mặt ở tuyến đầu, tận mắt chứng kiến và ghi chép lại chiến thắng của cách mạng ở Quảng Trị, Đà Nẵng rồi đến Thừa Thiên - Huế. Sau đó, tấm ảnh chụp khoảnh khắc “chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh” của ông đã trở thành biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Với tác giả, ấy là “một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo”.
Ông đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng, chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát lớn lao của con người. "Nhiều đồng nghiệp của tôi đã ngã xuống trên chiến trường, với máy ảnh và vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở. Sự hy sinh đó là vô giá", ông bộc bạch.
Khói lửa chiến tranh hun đúc, rèn luyện nên bản lĩnh, tinh thần kiên định, vượt khó cho những chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Bằng công việc của mình, qua những bài báo, hình ảnh, cuốn phim - với tư cách là những nhân chứng tin cậy - người phóng viên góp phần động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, người dân trong sự nghiệp chung. "Đấy là một vinh dự nghề nghiệp đáng tự hào!", tác giả Trần Mai Hưởng viết.
Chiêm nghiệm về chiến tranh và hòa bình
Không chỉ công tác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, nhà báo Trần Mai Hưởng còn tham gia đưa tin về chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước.
Ông là phóng viên trực tiếp có mặt tại Phnom Penh, Svay Rieng, Prey Veng để ghi lại khoảnh khắc các thành phố này được giải phóng, cũng như tình cảm tốt đẹp người dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam. Tác giả cũng có mặt ở Hà Giang và Cao Bằng trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sách Hồi ký phóng viên chiến trường.
Sau này, ông có dịp đặt chân đến đất Mỹ, tìm về “dấu mốc liên quan đến ký ức” - đài tưởng niệm về chiến tranh Việt Nam ở New York và Washington. Những ghi chép của ông về người gốc Việt ở Mỹ cũng hiện lên rất sống động: họ vẫn luôn nhung nhớ về và mong muốn trở lại quê hương.
Suốt cuộc đời mình, nhà báo Trần Mai Hưởng đã đi nhiều nơi, từ Lũng Cú - cực Bắc tới Apachải - cực Tây Tổ quốc, đến biển Nam, biển Tây, đến nơi sông Đà chảy vào đất Việt, đến nơi sông Mã vòng trở lại đất Việt, đi từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, đi từ bờ Đại Tây Dương sang bờ Thái Bình Dương. Ông đi nhiều nước, nhiều châu lục trên thế giới. "Nhưng cuốn sách này không chỉ có những bước chân... mà còn chiêm nghiệm về hành trình một đời người", nhà báo Lê Quốc Minh viết trong lời giới thiệu sách.
Hồi ký phóng viên chiến trường là trải lòng của một người ở thời bình nhìn lại những năm tháng chiến tranh. Hình ảnh chia ly thời chiến xuất hiện ngay từ trang đầu tiên: năm 13 tuổi sống xa gia đình, cậu bé Mai Hưởng phải đi sơ tán khi máy bay đến. Tiếng còi báo động năm ấy trở thành ký ức tuổi thơ khó phai trong tâm trí tác giả.
Ngày nay, trong thời bình, nhà báo Trần Mai Hưởng vẫn luôn trăn trở "sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về".
Nhà báo Trần Mai Hưởng sinh năm 1952 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ông từng giữ chức Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, là tác giả cuốn sách Theo dấu chân người, Hồi ký phóng viên chiến trường, tập thơ Lời người bán rong...
Nguồn Znews: https://znews.vn/hoi-ky-phong-vien-chien-truong-post1542687.html