Chưa quản lý được hoạt động quảng cáo thuốc lá trên mạng

Thời gian qua, không còn hoạt động quảng cáo thuốc lá trên báo chí, truyền hình. Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo trên các kênh giải trí, youtube, mạng xã hội còn chưa quản lý được, đặc biệt là quảng cáo thuốc lá điện tử trên mạng xã hội.

ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tình trạng trưng bày quá một bao, một tút cho một sản phẩm thuốc lá tại điểm bán thuốc lá khá phổ biến. Vẫn còn hiện tượng Cty thuốc lá tài trợ cho các hoạt động nhân đạo và một số các cơ quan báo chí vẫn đưa tin, đưa bài về hoạt động tài trợ, nhân đạo của Cty thuốc lá nhằm mục đích quảng cáo. Bộ TT&TT đã thực hiện việc nhắc nhở và yêu cầu gỡ bài đối với những tin, bài vi phạm đó nhưng chưa xử phạt vi phạm hành chính.

Hàng năm, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra chuyên ngành, trong đó có nội dung thanh tra về hoạt động quảng cáo, khuyến mại thuốc lá. Tính riêng năm 2018 đã tiến hành 436 lượt thanh tra chung, trong đó có thanh tra về hoạt động quảng cáo. Ở các địa phương công tác thanh tra, kiểm tra của một số tỉnh đã được thực hiện.

Bộ Y tế đề xuất đưa thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh. Ảnh minh họa

Bộ Y tế đề xuất đưa thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh. Ảnh minh họa

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, thời gian tới Bộ TT&TT cần có biện pháp kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, youtube, mạng xã hội, facebook...; thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ PV, biên tập viên tích cực đưa tin, ảnh, bài viết về các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuyên truyền phổ biến Luật, không đưa tin bài, hình ảnh về hoạt động tài trợ của các Cty thuốc lá.

Thời gian qua tình hình công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá đã được thực hiện ráo riết nhưng tình hình vận chuyển thuốc lá điếu ngoại qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Buôn lậu thuốc lá diễn ra trên cả đường biển, đường sông và đường bộ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính từ ngày 1-10-2014 đến ngày 30-9-2018 Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ 1.033 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, thu giữ 2.821.256 bao thuốc lá các loại, bắt giữ 153 đối tượng buôn lậu.

Tương tự, từ năm 2013 đến năm 2018, lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đã bắt giữ hơn 1.000 vụ với 3.000 đối tượng buôn lậu thuốc lá, xử lý hình sự 26 vụ với 41 đối tượng, xử phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng, thu giữ và tiêu hủy hơn 3 triệu bao thuốc lá với giá trị hơn 30 tỷ đồng.

Trong 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 42.678 lượt, xử lý 27.144 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 124 tỷ đồng, tịch thu hơn 5,9 triệu bao thuốc lá các loại, thu giữ 92 ô tô, 2.380 xe máy, 44 phương tiện khác và chuyển CQCA 135 vụ.

Về xử lý hình sự, theo báo cáo của TAND tối cao, từ ngày 1-5-2013 đến ngày 21-12-2018, tòa án các cấp đã xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm 929 vụ với 1.367 bị cáo với các tội danh liên quan như: Buôn lậu thuốc lá, vận chuyển trái phép hàng hóa là thuốc lá qua biên giới; sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc lá (trong đó tội sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu là chủ yếu, chiếm 87% số vụ và 85% số lượng bị cáo).

ThS Trần Thị Trang thông tin: Sau 5 năm thực hiện Luật, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã có xu hướng giảm. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GATS 2015), tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam giảm khoảng 2,1% so với năm 2010 (47,4% năm 2010, 45,3% năm 2015).

“Với nỗ lực và kết quả của hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đang ngày càng được tăng cường thì dự báo tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế tin tưởng.

Cơ sở để có sự tin tưởng đó là nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại thuốc lá tăng. Trung bình trên 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của Luật, các quy định về nơi làm việc không khói thuốc. Trên 90% người dân hiểu được tác hại của thuốc lá; từ 50%-60% người dân hiểu được các bệnh do thuốc lá gây ra; có sự tăng đáng kể hiểu biết về tác hại của hút thuốc lá thụ động (năm 2016, 86% người được hỏi tin rằng tiếp xúc với thuốc lá thụ động gây ra các bệnh về phổi, đến năm 2018 tỷ lệ này tăng lên 92%; 96% những người không hút thuốc đều nói rằng họ quan tâm đến sức khỏe của con họ khi họ hút thuốc gần con họ...).

Từ sự nâng cao nhận thức về tác hại thuốc lá đã thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá. Sau 5 năm đã có 195.000 công nhân viên chức, người lao động bỏ thuốc lá, trên 200.000 đoàn viên, công nhân viên chức lao động giảm hút thuốc lá.

Thời gian tới, để Luật được thực thi có hiệu quả hơn, Bộ Y tế đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng và quản lý chặt thuốc lá làm nóng; đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trong đó tăng thuế đối với thuốc lá.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chua-quan-ly-duoc-hoat-dong-quang-cao-thuoc-la-tren-mang-170166.html