Chùa Serey Kandal - nơi sinh hoạt, lưu giữ nét văn hóa Khmer
Chùa Serey Kandal, phường Vĩnh Phước (TX. Vĩnh Châu), trong những ngày lễ, hội, tết cổ truyền là nơi sinh hoạt văn hóa nhộn nhịp, thu hút đông đảo con em, phật tử đến biểu diễn các tiết mục văn nghệ, thi đấu thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhắc đến chùa Serey Kandal hầu như không còn xa lạ với người dân địa phương, bởi nhiều năm qua, các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội cũng được nhà chùa quan tâm, thường xuyên giúp đỡ, ủng hộ những người nghèo, người già neo đơn… Đặc biệt, nhà chùa đã thành lập đội nhạc ngũ âm và nhạc cụ truyền thống với 13 thành viên tham gia sinh hoạt và phục vụ trong các lễ, hội của đồng bào Khmer.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đội nhạc tạm ngưng hoạt động. Anh Sơn Huy - Đội trưởng Nhạc ngũ âm chùa Serey Kandal cho biết: “Do dịch bệnh, các thành viên trong đội nhạc cũng không thể đến chùa sinh hoạt. Đối với nghệ thuật nhạc ngũ âm, hồi nhỏ tôi rất thích. Năm 13 tuổi, tôi xin theo học từ một người thầy dạy loại hình nhạc cụ này. Lúc đầu, học khó nhớ, tôi phải đánh số lên các thanh cụ để dễ dàng tập gõ cho đúng nhịp điệu của từng bài. Sau một thời gian học hỏi, tìm hiểu và được chỉ dẫn nhiệt tình, tôi đã biết đánh được nhiều bài để phục vụ lễ, hội truyền thống của dân tộc Khmer. Ngoài phục vụ các lễ, hội truyền thống trong chùa, đội còn được bà con mời đi phục vụ đình đám trên địa bàn TX. Vĩnh Châu”.
Cùng các hoạt động sôi nổi của đội nhạc ngũ âm, trong những năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Ban Quản trị chùa Serey Kandal cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con phật tử. Đáng quan tâm hơn, nơi đây còn dạy chữ Khmer cho con em phật tử. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng năm nhà chùa đều mở các lớp dạy chữ từ lớp 1 - 3, thu hút hơn 200 học sinh và tăng sinh tham gia học.
Đại đức Lý Phét - Trụ trì chùa Serey Kandal cho biết: “Những lớp học chữ Khmer tại chùa và ở trong thôn xóm, cả người thầy và học trò xuất phát từ lòng nhiệt huyết, yêu thích, thiện nguyện, với mong muốn bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc. Hè năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn nên tạm dừng việc dạy chữ Khmer tại chùa. Để chung tay phòng, chống dịch, nhà chùa đã kêu gọi, vận động bà con phật tử, mạnh thường quân gần xa chung tay cùng chính quyền địa phương, nhằm san sẻ yêu thương cho những hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm vượt qua khó khăn”.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống văn hóa cho các phật tử, nhà chùa luôn mong muốn được sự quan tâm hơn của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đầu tư các thiết chế văn hóa; nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ để trình cấp trên công nhận ngôi am sàn gỗ có niên đại trên 100 năm tuổi ở chùa Serey Kandal là di sản văn hóa dân tộc. Hiện nay, nhà chùa cũng đã tu sửa và lưu giữ 2 chiếc ghe Cà hâu… mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
Theo bà Phạm Thị Hương - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX. Vĩnh Châu, những năm qua, chùa Serey Kandal không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật mà còn có nhiều đóng góp đối với địa phương, đặc biệt là trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Hàng năm, chùa được ngành Văn hóa thị xã chọn đội Lôiprotip (thả đèn nước) tham gia trình diễn phục dựng và ghe Cà hâu tại Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua ghe ngo truyền thống. Với những đóng góp thiết thực trong việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân ở địa phương, chùa liên tục đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh từ nhiều năm qua.