Chưa thể giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ đã triển khai được hơn một tháng. Tuy nhiên, đến nay, gói tín dụng này vẫn chưa thể giải ngân do chưa có danh mục dự án. Trong khi đó, điều kiện mua nhà cũng có thể là rào cản, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của chương trình. Do đó cần sự phối hợp sâu sát hơn nữa giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Chưa có kết quả giải ngân từ ngân hàng
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ được đánh giá là khá thiết thực trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang rất thiếu, mà nhu cầu của xã hội lại rất lớn. Tuy nhiên, sau một tháng triển khai, đại diện các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này cho hay, việc giải ngân vẫn khó khăn dù nguồn vốn đã sẵn sàng.
Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là chính sách được chờ đợi trong nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở và an sinh xã hội. Tuy nhiên, nguyên nhân chưa thể giải ngân ngay gói hỗ trợ này là do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng có nhu cầu vay nhưng qua rà soát lại không đủ điều kiện, trong đó, có chủ đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, người mua nhà thuộc diện có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân... Ngoài ra, tại một số dự án, chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên các hộ này không thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng được điều kiện giải ngân.
Tại hội nghị triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 19-5, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện "chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN", do đó "đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng".
Các chuyên gia cho rằng, nhìn lại kết quả triển khai của những gói tín dụng gần đây, chương trình cho vay đối với nhà ở xã hội cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Chẳng hạn như với gói hỗ trợ 2% lãi suất trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai từ cuối tháng 5-2022, việc khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính khiến tỷ lệ giải ngân chưa như mong muốn.
Các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp
Đại diện của một số ngân hàng cũng thừa nhận phân khúc nhà ở mà gói tín dụng hướng đến không phải là phân khúc được nhiều doanh nghiệp bất động sản quan tâm. Bởi, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội còn kém hấp dẫn. Chẳng hạn như quy định lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán nhà ở xã hội không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; đối với nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua, lợi nhuận không được quá 15%. Chưa nói đến thời điểm này, muốn làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà đầu tư phải có quỹ đất, quy hoạch hạ tầng đầy đủ. Đây lại đang là trở ngại ở rất nhiều dự án. Do đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không dễ triển khai.
Ngay cả khi người mua đủ điều kiện vay, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn cao và mang yếu tố bất định khi có thể lên hoặc xuống theo lãi suất thị trường. Sau thời gian ưu đãi, việc áp dụng lãi suất thỏa thuận sẽ là gánh nặng đối với người có thu nhập thấp. Chị Thùy Dung, công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết, với mức lương trung bình 6-8 triệu đồng/lao động/tháng và mỗi căn nhà ở xã hội có giá 7-10 triệu/m2, lãi suất 8,2%/năm được hỗ trợ trong 5 năm, công nhân vẫn rất khó tiếp cận.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, quy định về điều kiện cư trú và thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao. Những khó khăn, vướng mắc này là nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Vì vậy, để chương trình thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, cơ chế cho vay gói 120.000 tỷ đồng sẽ rất thông thoáng, các ngân hàng sẽ không đặt ra các điều kiện gì khác so với các khoản vay thông thường, ngoài điều kiện phải thuộc đối tượng mua nhà ở theo quy định.