Chưa thể liên thông kết quả xét nghiệm

Cách đây 2 năm, Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế. Nhưng đến nay, bệnh nhân vẫn trong tình trạng đi khám cơ sở y tế nào thì phải xét nghiệm tại cơ sở đó.

Nhân viên y tế nhập kết quả xét nghiệm của bệnh vào phần mềm máy tính tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Ảnh: K.Ngọc

Nhân viên y tế nhập kết quả xét nghiệm của bệnh vào phần mềm máy tính tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Ảnh: K.Ngọc

Các cơ sở không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân thêm phần tốn kém, mất thời gian chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm.

* Mất thời gian xét nghiệm nhiều lần

Ngồi chờ kết quả xét nghiệm tiểu đường tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Ngô Thị Thu Vân (ngụ phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho biết, vợ chồng bà đã chờ 30 phút nhưng vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm tiểu đường. Mỗi lần khám bệnh, nếu bác sĩ yêu cầu phải làm xét nghiệm, bà Vân phải mất trọn một buổi sáng do thời gian chờ lấy kết quả xét nghiệm thường khá lâu. Tuy nhiên, điều khiến bà Vân “ngán ngại” là phải làm đi làm lại các xét nghiệm mỗi lần chuyển viện.

Mục tiêu của Bộ Y tế sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên toàn quốc vào năm 2025. Để thực hiện chủ trương này, Sở Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện quản lý chất lượng phòng xét nghiệm, đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đặc biệt là đầu tư nguồn nhân lực để quản lý, điều hành và thực hiện tốt chuyên môn kỹ thuật xét nghiệm.

Bà Vân kể, khoảng 6 tháng trước, chồng bà bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện cấp cứu. Khi nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, chồng bà được chỉ định làm một loạt các xét nghiệm liên quan đến bệnh tắc tĩnh mạch, nhồi máu cơ tim. Thế nhưng khi chuyển lên Bệnh viện nhân dân 115, rồi qua Bệnh viện Chợ Rẫy đều ở TP.Hồ Chí Minh, chồng bà lại được yêu cầu làm xét nghiệm lại từ đầu.

“Có lần chồng tôi đi mổ, phải chuyển viện trong cùng 1 ngày cũng phải làm lại các kết quả xét nghiệm, chụp X-quang… Ngay cả khi đi khám bệnh tại các phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh, chúng tôi vẫn phải làm xét nghiệm lại từ đầu dù có kết quả xét nghiệm của bệnh viện tuyến tỉnh trước đó không lâu. Các cơ sở y tế không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến người dân mất nhiều thời gian, tiền bạc hơn” - bà Vân nói.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng khoa Sinh hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, khi bệnh nhân đưa kết quả xét nghiệm của các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy…, các bác sĩ sẽ tin tưởng hơn nhưng chỉ sử dụng tham khảo để chẩn đoán, chưa đưa vào hồ sơ bệnh án.

“Không phải bất cứ xét nghiệm nào bệnh viện cũng có thể chấp nhận kết quả của nhau mà tùy thuộc vào tùy từng loại bệnh. Kết quả xét nghiệm gắn liền với diễn tiến của bệnh nhân. Những xét nghiệm thông thường, các bệnh viện có thể sử dụng của nhau, còn những xét nghiệm chuyên biệt phải tùy vào tình hình của mỗi bệnh nhân để làm xét nghiệm lại” - bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh nói.

Những xét nghiệm mà bác sĩ có thể sử dụng để chẩn đoán khi liên thông thường là các bệnh ngoại trú. Ví dụ, xét nghiệm men gan sẽ có giá trị trong vòng 3 ngày; xét nghiệm glucose trong máu của bệnh tiểu đường có giá trị đến 60 ngày… Nhưng khi bệnh nhân cần truyền máu, các bác sĩ buộc phải làm lại xét nghiệm công thức máu tránh truyền nhầm; hoặc khi bệnh nhân mổ sọ não, thần kinh… đều cần phải làm xét nghiệm thường xuyên, liên tục.

* Khó liên thông

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, trung bình mỗi ngày thực hiện hơn 1 ngàn xét nghiệm các loại. Theo lộ trình của Bộ Y tế, sẽ có 65 loại xét nghiệm cơ bản được phép liên thông. Đầu năm 2020, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sẽ phải liên thông kết quả xét nghiệm của nhau.

Tuy nhiên, đến nay 2 bệnh viện này vẫn chưa có chứng nhận từ bên thứ 3 về chất lượng xét nghiệm cụ thể. Giải thích nguyên nhân của vấn đề này, bác sĩ Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế cho hay, vấn đề hiện nay là chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Các bệnh viện tuyến trên, chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới.

Cũng theo bác sĩ Ánh, muốn liên thông được, các phòng xét nghiệm phải thực hiện tốt quản lý chất lượng xét nghiệm, đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm theo Quyết định 2429/QĐ-BYT ngày 12-6-2017 của Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, nhằm hướng dẫn các đơn vị tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm, chuẩn hóa chất lượng, hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm giữa các đơn vị theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, nội dung đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm theo bộ tiêu chí này có đến 169 tiêu chí với nhiều vấn đề về tổ chức quản lý, nhân sự, trang thiết bị, vật tư hóa chất, đánh giá nội bộ, quản lý khách hàng, cập nhật thông tin… mà không phải phòng xét nghiệm nào cũng đáp ứng được ngay.

“Chúng tôi cần có thời gian để nâng cấp đồng bộ chất lượng các phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ sở chưa đảm bảo các tiêu chí đánh giá theo quy định, nhất là thiếu nguồn nhân lực chuyên khoa xét nghiệm nên chưa tham gia đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm. Do đó, việc liên thông này chưa thể triển khai” - bác sĩ Ánh nhận định.

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ kiểm tra chặt chẽ các cơ sở đối với việc thực hiện các tiêu chí về chất lượng phòng xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Từ đó, tất cả các đơn vị thực hiện đánh giá chất lượng, làm cơ sở cho việc liên thông kết quả xét nghiệm toàn bộ các phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh.

Khánh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201910/chua-the-lien-thong-ket-qua-xet-nghiem-2970398/