Chưa thu hồi được hơn 1.200 tỷ đồng tiền tạm ứng quá hạn trong các dự án kéo dài tại Tp.HCM

Trong báo cáo tình hình tạm ứng của Kho bạc Nhà nước Tp.HCM vừa gửi Sở Tài chính, hiện nay, thành phố có 125 dự án với số dư tạm ứng ngân sách quá hạn khoảng 1.666 tỷ đồng. Có những dự án kéo dài hơn 20 năm vẫn chưa có biện pháp thu hồi.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Tp.HCM gửi Sở Tài chính Tp.HCM, hiện có 125 dự án tại Tp.HCM với số dư tạm ứng ngân sách quá hạn lên tới khoảng 1.666 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là số vốn tạm ứng quá hạn của ba dự án lớn với tổng cộng 1.215 tỷ đồng, chiếm 72% tổng số dư tạm ứng quá hạn.

Các dự án này bao gồm: dự án xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài (đường Nguyễn Hữu Cảnh) do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP làm chủ đầu tư, với số dư tạm ứng 463 tỷ đồng; dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP làm chủ đầu tư, với số dư tạm ứng 118 tỉ đồng; và dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu công nghệ cao do Ban quản lý các dự án đầu tư - xây dựng Khu công nghệ cao Tp.HCM làm chủ đầu tư, với số dư tạm ứng 634 tỷ đồng.

Các khoản vốn tạm ứng quá hạn này đã kéo dài gần 2 thập kỷ mà vẫn chưa có biện pháp thu hồi hiệu quả và giải quyết triệt để.

 Cầu Thủ Thiêm nối Bình Thạnh và TP. Thủ Đức (Ảnh: Quỳnh Trần)

Cầu Thủ Thiêm nối Bình Thạnh và TP. Thủ Đức (Ảnh: Quỳnh Trần)

Trước tình hình số dư tạm ứng ngân sách quá hạn tại nhiều dự án, đặc biệt là ba dự án lớn, Kho bạc Nhà nước Tp.HCM đã yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương có giải pháp xử lý dựa trên kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Các chủ đầu tư cần rà soát lại toàn bộ các dự án mà ban quản lý đã giải thể, hoãn, giãn tiến độ hoặc dừng thực hiện, đặc biệt là những dự án đã bị đình trệ hoặc nhà thầu phá sản, để xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan. Từ đó đưa ra phương án xử lý số dư tạm ứng quá hạn.

Kho bạc Nhà nước Tp.HCM đã đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép quyết toán các chi phí hợp lý, hợp pháp đã thực hiện trong các dự án. Số tiền tạm ứng còn lại từ dự án, hiện đang được giữ trong khoản tiền gửi của chủ đầu tư (trong trường hợp người dân chưa đồng ý nhận tiền), sẽ tiếp tục do chủ đầu tư theo dõi, đối chiếu và vận động để chi trả, nhằm tránh ảnh hưởng đến quá trình quyết toán dự án. Việc quyết toán bổ sung sẽ được thực hiện khi người có đất bị thu hồi đã nhận tiền.

Như Thiện

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chua-thu-hoi-duoc-hon-1200-ty-dong-tien-tam-ung-qua-han-trong-cac-du-an-keo-dai-tai-tphcm-d51469.html