Chùa trên núi

Ngôi chùa nằm cheo leo trên một ngọn núi. Đường lên chùa ngoằn ngoèo, khúc khuỷu bám theo sườn núi nên chẳng mấy người lên chùa, thành ra chùa vắng vẻ quanh năm. Nếu như không có người dẫn lối hoặc nhắc tới thì hẳn chẳng ai biết trên núi này còn có một ngôi chùa. Vào những buổi sương mù, ngọn núi chìm trong một vùng mịt mờ trắng đục. Nhìn từ xa, ngọn núi mờ ảo, chỉ khi nắng lên, sương tan, đỉnh núi mới hiện rõ và xung quanh vẫn còn phủ vài đám mây trắng, khiến cảnh vật đẹp một cách lạ kỳ. Vậy nhưng, ngôi chùa vẫn khuất trong dáng núi, nằm khiêm nhường dưới những tán cây cổ thụ um tùm, chỉ tiếng chuông chùa là vang vọng lan xa, rồi tan dần vào gió, vào mây, vào nắng, vào tháng năm.

Gã có lẽ là người kiên trì lên ngôi chùa này lễ Phật nhất. Hàng tháng, cứ mỗi bận ngày rằm, mùng một gã lại cần mẫn leo núi lễ chùa. Nhớ lần đầu tiên đến với chùa là lúc gã theo chân một người thím họ xa, lần ấy leo tới sân chùa thì hai đầu gối gã đã mỏi nhừ, muốn khụy xuống. Gã không nhớ rõ đã từng nghe ở đâu và ai đó đã nói rằng, người tin theo Phật phải kiên tâm, lễ chùa phải tìm những nơi đường đi gian nan thì khi đó Phật mới độ cho. Gã vẫn tin theo Phật, vẫn chăm lễ chùa vậy mà không hiểu sao bao năm nay cuộc sống của gã vẫn nghèo, những điều gã toan tính, ước mong vẫn chưa bao giờ là hiện thực.

***

Vị sư trụ trì ngôi cổ tự ngồi bên bộ bàn ghế đá đặt nơi góc sân chùa, dưới bóng cây thông già. Nâng chén trà trên tay, sư thầy chưa uống ngay, hương thơm của loại trà cổ mọc trên núi có một mùi hương đặc biệt khiến ông nhắm mắt để nghe hồn mình thư thái. Nhấp một ngụm trà thơm, vị chát rất riêng, rồi tiếp sau là vị ngọt đọng lại rất dịu dàng nơi đầu lưỡi, lắng thật lâu nơi cổ họng khiến cho ai đã thưởng thức thứ trà ấy phải nhớ mãi.

Hôm nay là ngày rằm. Gã lại leo núi lễ chùa. Gã lên tới chùa thì người đã mệt nhoài, mồ hôi vã ra ướt đầm lưng áo. Vừa tới sân chùa gã đã nghe hương thơm rất quen, gã đã nhìn thấy sư thầy đang ngồi thưởng trà, thứ trà ngon lần nào lễ chùa cũng được thưởng thức cùng sư thầy.

- A di đà Phật! Con chào thầy.

- Anh lại lên lễ chùa đấy ư?

- Vâng.

- Ngồi xuống đây uống với tôi chén trà đã nào. Ngồi xuống đây.

Lần nào cũng thế, gã thường đến sớm nhất, đi trước người khác, như là một điều thể hiện sự thành tâm với Phật. Không biết có phải thế không, hay vì vị trà ngon làm gã nhớ, bởi gã biết sư thầy có thói quen uống trà vào mỗi buổi sớm, khi những giọt sương còn đọng nơi phiến lá.

Thường những lúc ngồi uống trà với sư thầy, hai người không mấy khi nói chuyện. Thực ra là do gã, gã thường tự chìm vào những suy tưởng của riêng mình. Những khi lên chùa gã thấy lòng bình yên nhất, gã không dễ gì phá vỡ đi cái cảm giác hiếm hoi đó, bởi cuộc sống của gã vốn quá nhiều những ấm ức, bất bình và chán nản. Sư thầy dường như hiểu những điều ấy, vị sư già bình thản ngồi uống trà và cũng có ý đợi gã mà chưa vội làm lễ, ông muốn con người ấy có thêm những phút giây lắng mình tìm đến những điều tốt đẹp, ít nhất là trong ý nghĩ.

Thực ra gã đã định hỏi sư thầy những thắc mắc ấy mà gã không dám hỏi, gã sợ như thế là thành tâm bấy lâu nay không còn ý nghĩa. Nhưng nếu không hỏi sư thầy thì có lẽ gã cũng không biết hỏi ai. Gã muốn hỏi sư thầy tại sao đã từng bấy nhiêu năm gã tin theo Phật, kiên trì, khổ công vất vả leo núi lễ chùa mà cuộc đời gã vẫn không hề khá lên được. Phải chăng gã không có duyên với Phật nên Phật không độ trì, nên gã vẫn luôn nghèo hèn, lận đận? Dường như cái sự kiên nhẫn ở trong con người gã đã đến hồi không thắng nổi câu hỏi bấy lâu ấp ủ.

Cuối cùng gã cũng quyết định hỏi sư thầy về điều ấy, về những thắc mắc chưa có lời giải đáp. Vị sư già khi nghe gã hỏi chợt cười hiền từ và nhìn sâu vào mắt gã, khiến gã thấy bối rối. Rồi ông đến gần bên gã, đặt bàn tay lên vai gã, bàn tay ấm áp làm gã dần bình tâm lại.

- Nào, anh hãy kể cho ta những việc anh đã làm, những điều mà anh muốn.

- Vâng.

Gã bắt đầu kể, gã kể về cái sự muốn giàu nhanh mà chẳng cần lao động vất vả. Gã đã chơi lô đề và cá độ bóng đá. Cũng có thắng, có thua nhưng rồi cuối cùng là sự nợ nần khiến cho gã điêu đứng, vợ con gã khổ sở. Nhưng gã vẫn còn chưa lú lẫn tới mức lao vào gỡ gạc mà quay đầu làm lại bằng một công việc chính đáng. Gã đi lắp điện nước cho một người bạn ngoài thành phố. Mức lương cho người học việc cũng chẳng đáng là bao, nhưng cũng xứng đáng khi gã chỉ đi theo đám thợ làm mấy việc lặt vặt và đứng xem để học hỏi. Đó dường như cũng là điều ưu ái mà người bạn kia muốn dành cho gã. Nhưng rồi, qua mấy tháng đi làm cùng bạn, biết được nhiều mối hời trong việc làm ăn ấy, trong đầu gã nảy ra một ý, gã âm thầm đi mua đồ nghề rồi đi liên hệ với các ông chủ khác để lắp đặt thuê cho mấy đơn vị thi công khác. Điều này khiến gã có thu nhập khá hơn hẳn. Gã đã không lời từ biệt bạn, khi bạn gã gọi điện kiếm tìm vì đang thiếu thợ thi công thì gã im bặt. Sự im lặng là một câu trả lời cho người bạn kia, gã nghĩ vậy.

Gã ngồi im một lúc, như thể đắm vào mạch thời gian trong quá khứ. Rồi gã kể tiếp, kể đến cái đoạn dịch bệnh kéo dài, công việc đình trệ, gã lại bỏ những nơi làm việc trên phố để về quê. Về quê gã đi làm cò đất, cái thói khôn vặt cũng giúp gã kiếm được tiền nhờ nước bọt. Từ ấy gã có chút ít để trang trải nợ nần. Cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản đóng băng và những người như gã không còn việc để kiếm cơm. Vậy là gã tụ tập mấy bạn nhậu để ăn no, uống say rồi lang thang đủ mọi chỗ, gặp người này người kia nói mọi thứ trên trời, dưới đất.

Gã có một người anh họ, người anh ấy vốn hiền lành, kiên trì và kiệm lời. Nhưng người ấy lại có tài lẻ là hội họa và âm nhạc, tài lẻ ấy khiến anh ta được nhiều người yêu mến. Gã nghĩ về mình, gã nghĩ lẽ ra với sự tháo vát của mình thì phải là kẻ đứng đầu của một nhóm người nào đó, cớ sao lại cứ mãi mờ nhạt ở trong cái làng này. Và gã bắt đầu nảy sinh lòng ghen ghét với người anh họ ấy. Đi ra đường gã sợ vấp phải những ánh mắt mỉa mai, dò xét, gã sợ họ đánh giá mình kém cỏi, gã sợ sau lưng mình là lời chê bai. Gã muốn thể hiện mình, gã muốn lấy lòng bất cứ ai. Gã muốn mọi người phải tôn trọng gã, mến mộ gã. Và rồi gã đã cố thể hiện sự hào phóng của mình, cố lộ ra tác phong đáng nể để được những ánh nhìn thiện cảm, tin cậy của đám người mà gã thương tụ tập ăn uống, chơi bời. Có lúc, bằng một cách rất tự nhiên, gã dùng những lời lẽ khéo léo cốt sao làm cho mọi người hiểu sai và nghĩ xấu về anh mình. Có như thế gã mới không cảm thấy vị thế của mình thấp kém, hay mờ nhạt so với người anh họ kia. Còn về tiền chơi bời ư, thì gã cũng lại kiếm từ những trận đỏ đen. Nợ nần ư? Kệ, mặc cho vợ gã bươn bả vay chỗ nọ đập chỗ kia. Gã đã dửng dưng với những khốn khổ của người thân như thế cũng bởi vì gã luôn tin vào một vận may, vào một ngày nào đó gã sẽ khá lên, sẽ đổi đời.

Vị sư già ngồi nghe gã kể, khẽ gật gật đầu. Khi gã kể xong, nhìn sư thầy tỏ ý muốn nhận những lời giải thích và an ủi từ phía sư thầy thì ông chưa nói gì ngay mà ngồi im một lúc, ra chiều suy nghĩ, ông nói:

- Nghe anh kể thì ta thấy anh chưa hẳn đã là người xấu, nhưng sự tham lam, lòng đố kỵ, ganh ghét ở trong anh nhiều quá khiến tâm anh chưa sáng, trí anh không thông nên đường đi của anh mới tối tăm, gập ghềnh. Chỉ cần anh buông bỏ đi những điều ấy thì tự khắc lòng anh sẽ thanh thản, mọi thứ sẽ thuận tự nhiên rồi đời anh sẽ khá. Mà cái được lớn nhất là tinh thần anh thoải mái không phải buồn lo, khổ sở. Khi cái tâm được tĩnh thì cái thân sẽ an nhàn. Tôi nói thế chắc anh đã hiểu hơn rồi.

Gã nghe sư thầy nói thì im lặng suy nghĩ. Đúng quá, những câu nói như khai mở những âm u, mờ mịt nơi tâm hồn gã. Gã nghe như có hương nhài thơm ngát lan tỏa đâu đây, gã như thấy ánh nắng chiếu rọi vào một căn phòng vốn ẩm mốc từ lâu. Gã thấy lòng mình nhẹ nhõm hệt như con mương sình lầy bởi bùn và rác nay được khơi thông, dòng nước mát trong chảy êm đềm bên hai bờ cỏ xanh non.

- Lại nói thêm về việc lễ chùa – Vị sư già nhấp một ngụm trà rồi ngước lên nhìn gã từ tốn - Anh và nhiều người lâu nay đã hiểu sai về việc này nhiều lắm. Thực ra khi con người sinh ra ai cũng đã mang trong mình chữ Phật, người xưa nói “nhân tri sơ tính bản thiện” là như thế. Chỉ cần mọi người luôn giữ cho mình cái tâm không vẩn đục, năng làm việc tốt, nói lời hoan hỉ thì tự khắc Phật ở trong ta. Làm được như thế và chịu khó tìm hiểu thêm triết lý nhà Phật thì mọi người sẽ ngộ ra được nhiều điều. Làm được như thế thì đâu cần phải ngày ngày lên chùa, đâu cần mang phẩm vật, mâm cao cỗ đầy làm gì, Phật đâu có độ cho những người tham lam, gian ác?

Gã nghe như muốn nuốt lấy từng lời của sư thầy. Hương thơm chén trà xen lẫn mùi hương nhang tạo nên một cảm giác thư thái và thiêng liêng. Gã nhìn sư thầy một cách kính cẩn và tỏ vẻ biết ơn, tâm đắc lắm. Từ biệt sư thầy để xuống núi, đi trên con đường gập ghềnh, quanh co mà gã cứ thấy nhẹ thênh thênh. Lòng gã như được sưởi ấm bằng một điều gì rất thiêng liêng để rồi hân hoan phơi phới. Từ nay gã sẽ vẫn siêng lên núi lễ chùa nhưng với một tâm thế khác, gã sẽ nghe theo lời sư thầy, tu tâm kính Phật để thấy Phật luôn hiện hữu mọi nơi, và rồi một ngày Phật sẽ ở ngay trong tâm mình. Gã mỉm cười nghĩ về những ngày ở phía trước.

Dừng chân nơi lưng chừng dốc núi, mắt hướng ra xung quanh, một vùng đồi núi bao la rạng rỡ dưới nắng vàng tươi. Gã tin ánh mặt trời sẽ soi rọi vào mỗi tán cây, kẽ lá, soi cả những nơi âm u nhất dưới những bóng cây cây cổ thụ của đại ngàn.

Lê Minh Hải

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/chua-tren-nui-140918.html