Chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ Xuân

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch vụ Đông, bắt tay vào làm đất để sản xuất vụ Xuân. Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, vụ Xuân 2023 tiếp tục được xác định là vụ sẽ gặp những bất lợi về thời tiết, nguồn nước. Lường trước những khó khăn đó, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành, thị và Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các địa phương chuẩn bị đầy đủ vật tư, máy móc, thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục khó khăn để giành thắng lợi vụ Xuân.

Nông dân xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy làm dầm đất chuẩn bị gieo mạ vụ Xuân 2023.

Bám sát khung lịch thời vụ

Thu hoạch xong cây rau màu vụ Đông, hàng trăm hộ nông dân ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao đã nhanh chóng bắt tay vào cày lật đất, nạo vét kênh mương để đợi lấy nước, đổ ải, làm dầm, chuẩn bị xuống giống gieo cấy vụ Xuân. Bà Nguyễn Thị Hà, nông dân xã Phùng Nguyên cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ thu hoạch xong lứa bí vụ Đông là chúng tôi lập tức thuê máy cày lật đất, tranh thủ phơi ải để làm vụ Xuân. Mọi việc từ làm đất, gieo mạ, cấy đều thực hiện theo lịch mà tổ khuyến nông xã đã thông báo trên hệ thống loa phát thanh. Đây cũng đã trở thành thói quen của người nông dân chúng tôi từ nhiều năm nay”.

Theo kế hoạch, vụ Xuân năm nay toàn tỉnh sẽ phấn đấu gieo cấy 35,3 nghìn ha lúa, trong đó lúa lai 12,4 nghìn ha, lúa chất lượng cao 19,9 nghìn ha, đồng thời phấn đấu gieo trồng 5,2 nghìn ha ngô, 4,9 nghìn ha rau xanh các loại.

Để bảo đảm kết quả sản xuất, tránh thời tiết bất lợi, cơ cấu của vụ Xuân được bố trí chủ yếu là trà Xuân muộn (chiếm 98% tổng diện tích), trong đó trà một chiếm 46% diện tích (trên 16.000ha) sẽ tiến hành xuống giống vào đầu tháng 1, trà hai sẽ bắt đầu gieo mạ từ sau Tết Nguyên đán đến khoảng ngày 5/2/2023. Riêng đối với diện tích Xuân sớm, hiện nay bà con đã bắt đầu tiến hành gieo mạ theo hướng dẫn khung thời vụ của ngành Nông nghiệp. Các giống lúa được sử dụng là lúa lai: Thụy hương 308, CT 16, Thái xuyên 111, Lai thơm 6, J02 Đông A1 và giống lúa BC15 kháng đạo ôn. Đây là những giống đã qua khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh, cho chất lượng gạo tốt, năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi.

Trước đây, tâm lý chung của nhiều người dân thường triển khai gieo cấy lúa vụ Xuân kết thúc trước Tết Nguyên đán nên sẽ ảnh hưởng không ít đến công tác chỉ đạo về thời vụ, việc xem nhẹ công tác phòng trừ sâu bệnh là nguy cơ khiến dịch rất dễ bùng phát, lây lan nhanh. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, nông dân sử dụng giống ngoài cơ cấu, mẫn cảm với bệnh đạo ôn, tập quán canh tác một số vùng còn gieo cấy dày, bón phân không cân đối, bón nặng đạm về cuối vụ trở thành “mồi lửa” cho bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại diện rộng. Tuy nhiên, tình trạng trên đã được khắc phục khá nhiều trong những năm gần đây. Đại đa số nông dân đã thực hiện sản xuất theo đúng khung lịch thời vụ được ban hành, góp phần không nhỏ giành thắng lợi trong sản xuất vụ đầu tiên của năm.

Một điểm mới trong các vụ sản xuất hiện nay là mô hình liên kết giữa người nông dân và các doanh nghiệp ngày càng được nhân rộng. Hàng chục mô hình liên kết ở các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba… cho doanh thu lên đến hàng tỉ đồng/năm đã chứng minh hiệu quả của mối liên kết giữa các nhà, tạo tâm lý yên tâm cho bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Người dân xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì chủ động chống rét cho mạ trà Xuân sớm.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, vụ Xuân năm 2023 tình hình thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp, dự báo từ cuối tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 có thể có nhiều đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến mạ Xuân trà sớm, lúa Xuân sớm và mạ trà Xuân muộn. Bên cạnh đó, rét đậm có kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại nặng, nguồn nước cho sản xuất vụ này cũng rất khó khăn. Ngoài ra, giá cả vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu...) vẫn đang ở mức cao, trong khi giá các loại nông sản không tăng hoặc tăng không đáng kể, có thể dẫn đến tình trạng một số người dân giảm đầu tư vào sản xuất. Các sinh vật gây hại cũng sẽ diễn biến phức tạp, nhất là chuột, bệnh đạo ôn, lúa cỏ trên đồng ruộng… ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa vụ Xuân.

Đáng chú ý, việc đảm bảo nguồn nước để phục vụ sản xuất gặp khá nhiều khó khăn, từ đầu vụ Đông đến nay, lượng mưa trên địa bàn tỉnh khá thấp, đa phần các hồ, đầm, phai tạm chứa nước mới chỉ đạt khoảng 80-90% dung tích thiết kế. Để có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, UBND các huyện, thành, thị, Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chỉ đạo Xí nghiệp thủy nông tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố hệ thống công trình thủy lợi, nhất là hệ thống kênh đất để tránh thất thoát nước; thực hiện nghiêm việc tưới tiết kiệm, tưới đủ dưỡng cho cây trồng, nghiêm cấm việc tháo nước để khai thác thủy sản, chuẩn bị sẵn sàng vật tư cho các trạm bơm dã chiến để hoạt động khi có yêu cầu.

Để bảo đảm kế hoạch sản xuất đủ diện tích, đúng khung thời vụ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác đảm bảo sản xuất; huy động lực lượng, nhất là các thiết bị cơ giới để đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo trồng, thực hiện gieo cấy đúng theo khung lịch thời vụ của tỉnh. Tiếp tục thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng tập trung, hàng hóa quy mô lớn, sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bố trí cơ cấu giống cây trồng, thời vụ phù hợp với điều kiện sản xuất, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất trồng trọt; có phương án quản lý, điều hành tưới tiêu hợp lý, kịp thời…

Ông Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các trạm khuyến nông, trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với các công ty giống cây trồng, phân bón chuẩn bị đủ giống, phân bón, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng theo yêu cầu của bà con nông dân đăng ký, đồng thời có phương án chuẩn bị giống lúa dự phòng, đáp ứng kịp thời cho sản xuất trong trường hợp cần thiết. Thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã ban hành.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/chuan-bi-cac-dieu-kien-san-xuat-vu-xuan/189464.htm