Chuẩn bị cho vụ vải thiều 2023: Chủ động liên kết, đổi mới xúc tiến tiêu thụ
Thời tiết thuận lợi cùng với kỹ thuật thâm canh ngày càng cao nên dự báo năm nay là năm thứ ba liên tiếp vải thiều được mùa. Sản lượng dự kiến lớn, thời gian thu hoạch ngắn nên việc liên kết, tìm đầu ra cho vải thiều được chính quyền, nông dân các địa phương trong tỉnh quan tâm.
Yên tâm sản xuất
Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Đức Văn, thôn Trại 1, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) đang tập trung bón phân bổ sung dinh dưỡng cho giai đoạn ra quả non của cây vải. Theo lời ông Văn, năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ ra hoa, đậu quả của vải thiều cao, dự kiến với gần 1 ha gia đình sẽ thu khoảng 15 tấn quả.
Nếu như những năm trước, dù chất lượng sản phẩm tốt song do thiếu sự liên kết nên ông Văn vẫn phải đưa đến các điểm cân, giá bán phụ thuộc vào thị trường thì năm nay gia đình ông yên tâm hơn khi có doanh nghiệp (DN) cùng đồng hành. Toàn bộ 12,6 ha vải thiều theo hướng hữu cơ của gia đình ông và 18 hộ khác ở thôn Trại 1 được Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn, cùng ở xã Phượng Sơn cấp phân bón hữu cơ trả chậm, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm đủ tiêu chuẩn với giá 30 nghìn đồng/kg.
“Không chỉ cam kết thu mua, DN còn hỗ trợ mở đường bê tông vào các khu vực sản xuất, giúp chúng tôi vận chuyển phân bón thuận lợi hơn. Thông qua liên kết, chúng tôi sẽ yên tâm tập trung sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Đức Văn nói.
Năm nay, toàn tỉnh có 29,7 nghìn ha vải thiều, trong đó có 27,9 nghìn ha cho thu hoạch; sản lượng ước đạt 190-200 nghìn tấn, tương đương năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh có 178 mã số vùng trồng phục xuất khẩu với tổng diện tích gần 16,7 nghìn ha.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), năm nay, điều kiện nhiệt độ, ẩm độ phù hợp với thời kỳ phân hóa mầm hoa nên tỷ lệ vải ra hoa cao, sản xuất vải diễn ra thuận lợi. Vải sớm đang giai đoạn ra hoa, đậu quả non, tỷ lệ hơn 90%; vải chính vụ tỷ lệ ra hoa đạt hơn 85%. Với việc duy trì 29,7 nghìn ha, sản lượng năm nay ước đạt 190-200 nghìn tấn, tương đương năm 2022.
Để chủ động trong khâu tiêu thụ, năm nay, các địa phương, người trồng vải sớm kết nối, tìm đầu ra thông qua các DN. Điển hình nhóm hộ sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại thôn Chão, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) đã ký hợp đồng liên kết, bao tiêu quả vải với Công ty TNHH Phát triển thương mại và dịch vụ Phúc Lâm (TP Hà Nội). Theo đó, vụ vải thiều năm nay, DN này hỗ trợ sản xuất, thu mua toàn bộ sản lượng vải thiều của 13 hộ trong nhóm với giá ổn định. DN gắn thẻ cho từng cây vải, đồng thời hỗ trợ các hộ kỹ thuật chăm sóc, bảo đảm cho sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Tương tự, dự kiến sản lượng vải thiều của huyện Tân Yên vụ này khoảng 17 nghìn tấn, tăng 500 tấn so với vụ trước. Cơ quan chuyên môn của huyện đã mời các DN đến địa bàn tìm hiểu, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay có một DN tại TP Hồ Chí Minh đặt lịch thăm và dự kiến thu mua vải thiều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và các nước châu Âu; các công ty: Toàn cầu, Rồng đỏ, Ammay cũng đã kết nối với các mã vùng trồng để thu mua sản phẩm phục vụ xuất khẩu, chế biến.
Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa (Tân Yên) nói: "Nhờ chủ động mời gọi, đến nay đã có một số DN, thương nhân Trung Quốc đến tìm hiểu, đề nghị ký hợp đồng với đại diện các trưởng mã vùng trồng. Chúng tôi sẽ thành lập tổ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát việc ký và thực hiện cam kết hợp đồng với DN của các chủ thể, bảo đảm DN có đủ sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu".
Xây dựng các phương án tiêu thụ
Để vải thiều rộng đường xuất khẩu, năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định cấp mới mã số vùng trồng cây ăn quả nói chung, vải thiều nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm. Ngành tập trung hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp mới 15 mã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 9 mã đi Australia, 2 mã đi Hoa Kỳ và 3 mã sang Thái Lan.
Cùng đó, hỗ trợ 5 DN, hợp tác xã thực hiện đăng ký xuất khẩu các mặt hàng chế biến có nguồn gốc thực vật sang thị trường Trung Quốc, trong đó Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Lục Ngạn đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu, hồ sơ của 4 đơn vị khác đang chờ Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Với thị trường Hoa Kỳ, ngày 17/3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT có buổi làm việc với cơ quan APHIS, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ thực vật để đánh giá, xem xét điều kiện chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Cùng với tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ chặt chẽ các điều kiện sản xuất theo yêu cầu của các nước, chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp mới các mã số theo kế hoạch. Việc có thêm cơ sở chiếu xạ tại miền Bắc sẽ giúp thời gian đưa trái vải sang thị trường Hoa Kỳ ngắn hơn, chi phí giảm”.
Năm 2022, vải thiều tiêu thụ khá thuận lợi, hơn 40% sản lượng được xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường mới tại một số nước thuộc Liên minh châu Âu và Trung Đông. Mặc dù vậy, do thời gian thu hoạch ngắn lại thiếu liên kết nên tại một số thời điểm giá thu mua thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân; nhiều diện tích đã được cấp mã vùng trồng song do không tuân thủ đúng yêu cầu nên sản phẩm không đủ điều kiện xuất khẩu, thậm chí phải “quay đầu”.
Để tiêu thụ vải thiều, UBND các huyện cũng sớm xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ. Nắm bắt cơ hội thị trường Trung Quốc mở cửa, ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế, năm nay, UBND huyện Lục Ngạn phấn đấu tiêu thụ 78,3 nghìn tấn vải tươi (chiếm gần 80% sản lượng), trong đó xuất khẩu 43,3 nghìn tấn, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, UBND huyện đã thành lập 2 đoàn công tác, phối hợp cùng Sở Công Thương khảo sát, tìm hiểu thị trường tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc); các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cũng như các chợ đầu mối phía Nam.
Dự kiến ngày 4/4, UBND huyện làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về các điều kiện tập kết, vận chuyển vải thiều sang thị trường Trung Quốc tại ga Kép. Với trách nhiệm của mình, Sở Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến sớm thông qua các buổi làm việc với một số cục, vụ, viện của Bộ Công Thương và các DN, nhà phân phối.
Đặc biệt, ngành tham mưu với UBND tỉnh làm việc với Tham tán thương mại một số nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc để xuất khẩu vải thiều. Ngoài tổ chức hội nghị xúc tiến trực tiếp tại vùng vải sớm, Bắc Giang tổ chức hội nghị vừa trực tuyến, trực tiếp cho vải thiều chính vụ; đồng thời tổ chức các ngày hội trái cây ở các vùng gắn với du lịch trải nghiệm.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết