Chuẩn bị hành trang cho kỳ thi quan trọng
Năm nay, học sinh lớp 9 sẽ trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT mới.

Học sinh khối 9 Trường THCS Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong giờ học Toán. Ảnh: Đình Tuệ
Các nhà trường đã có nhiều giải pháp để củng cố, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giúp học sinh sẵn sàng hành trang cho kỳ thi quan trọng.
Học đâu, ôn đó
Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San (TP Nam Định, Nam Định) nhấn mạnh, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT là giai đoạn quan trọng đối với học sinh lớp 9. Để giúp các em đạt kết quả tốt nhất, việc củng cố kiến thức cần thiết và đòi hỏi sự đồng hành của thầy cô, đôn đốc từ cha mẹ.
Cùng với hoàn thành chương trình, giáo viên sẽ vừa dạy vừa ôn tập củng cố kiến thức, rèn kỹ năng cho học trò. Học sinh học bài nào sẽ luyện tập để nắm vững bài đó. Sau khi hoàn thành chương trình, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập thi vào lớp 10 THPT; mặt khác yêu cầu thầy cô trực tiếp giảng dạy xây dựng đề thi theo cấu trúc đề mới để học sinh được cọ xát và làm quen.
Là năm đầu tiên thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018, theo cô Minh Nguyệt, học sinh cần xác định rõ mục tiêu, muốn đạt điểm số bao nhiêu, thi vào trường nào… để xây dựng kế hoạch học tập cụ thể, phân bổ thời gian hợp lý cho từng môn học, nội dung. Kế hoạch học tập cần điều chỉnh linh hoạt theo quá trình học tập và kết quả kiểm tra, đánh giá.
Với hơn 1.000 học sinh, cô Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thượng Hiền (Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng, để giúp các em đạt kết quả cao trong kỳ thi, nhà trường kêu gọi lòng nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ giáo viên. Đồng thời xây dựng kế hoạch ôn tập sớm, phân hóa học trò theo năng lực để có phương pháp giảng dạy phù hợp; tăng cường thực hành, vận dụng thực tiễn.
“Thầy cô sẽ bồi dưỡng kiến thức theo định hướng mới, chú trọng áp dụng công nghệ, khuyến khích học sinh sử dụng nền tảng học trực tuyến, bài giảng video, ứng dụng ôn tập để tự học hiệu quả. Trường tổ chức thi thử định kỳ bám sát cấu trúc đề thi mới và thực hiện chấm chữa kỹ lưỡng, chỉ ra lỗi sai, hướng dẫn cách cải thiện kỹ năng làm bài”, cô Hòa thông tin.
Ngoài ra, hỗ trợ tâm lý và kỹ năng để rèn sự tự tin, bình tĩnh cho học sinh cũng đóng vai trò quan trọng. Cô Hòa cho hay, nhà trường sẽ tổ chức các buổi chia sẻ, tư vấn tâm lý giúp học sinh giảm căng thẳng, có thêm động lực học tập. Thầy cô phối hợp với phụ huynh nhắc nhở các em chú ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống, sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên và giữ tinh thần thoải mái.

Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San, TP Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ
Thầy cô, cha mẹ đồng hành
Đến thời điểm này, Thái Nguyên đã chính thức “chốt” các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 gồm: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Tại Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP Thái Nguyên), cô Hiệu trưởng Bùi Thị Thanh Hoàn chia sẻ: Nhà trường đã họp và đưa ra một số giải pháp cơ bản giúp học sinh lớp 9 sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng này.
Trong các tiết học, nhất là đối với bộ môn sắp thi vào lớp 10, thầy cô tăng cường kiến thức cơ bản trong giờ chính khóa những bài học mới. Sau đó tận dụng các buổi chiều lên lịch để ôn tập cho học sinh, đặt ra thời gian nhất định để sau buổi ôn tập các em được kiểm tra kiến thức. Nhà trường tiếp tục lên chương trình để ôn luyện cho học sinh sau khi kiểm tra và phân loại kiến thức.
Tổ chức họp phụ huynh để phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường nhằm động viên các em chăm chỉ rèn luyện. Thầy cô cũng được tập huấn cách ra đề, ôn luyện những phần kiến thức trong chương trình mới. Nhà trường đã xây dựng những phom đề theo mẫu mới để học sinh có thể tiếp cận, luyện đi luyện lại trước khi bắt đầu những cuộc thi thử theo đề chung của thành phố, tỉnh.
“Cần có lộ trình ôn luyện thật rõ ràng đối với học sinh bắt đầu từ kiến thức cơ bản thật chắc, sau đó mới đến bài tập nâng cao rồi tập trung luyện đề. Khi học sinh có được kiến thức cơ bản cùng kỹ năng làm bài tập, làm đề mới có thể đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018”, cô Bùi Thị Thanh Hoàn khẳng định.
Nằm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, năm nay Trường Tiểu học & THCS Đinh Núp, xã Pừ Tó (Ia Pa, Gia Lai) có tổng số 275 học sinh, riêng khối 9 có 23 em. Thực tế những năm gần đây, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS dự thi vào lớp 10 THPT không lớn nhưng nhà trường vẫn vận động, tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng.
“Học sinh đa số là con em đồng bào dân tộc Ba Na. Khoảng cách tới Trường THPT Nguyễn Tất Thành nằm ở trung tâm huyện là hơn 20km. Những em thực sự cố gắng và gia đình có điều kiện trong việc di chuyển mới cho con theo học lên lớp 10. Thầy cô và chính quyền địa phương tích cực vận động để người dân cho con tiếp tục thi vào lớp 10 THPT hoặc đi học nghề”, thầy Hiệu trưởng Lê Công Tấn nói.
Tại Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam), ngay từ buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường tập trung ổn định học sinh để tránh tâm lý “xả hơi” và đưa mọi hoạt động vào nền nếp, đặc biệt học sinh khối 9. Bởi đây là giai đoạn nước rút để các em chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Giai đoạn này, giáo viên cần giúp học sinh nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Các em có thể ôn tập theo từng chủ đề/chương để hệ thống lại kiến thức và khuyến khích sử dụng tài liệu tham khảo, đề thi thử để mở rộng kiến thức. Giải đề thi các năm trước và đề theo cấu trúc mới giúp học sinh làm quen với dạng câu hỏi và rèn luyện kỹ năng làm bài, sau đó tìm ra các lỗi sai để rút kinh nghiệm.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-hanh-trang-cho-ky-thi-quan-trong-post720457.html