Chuẩn bị kịch bản chi tiết cho mọi diễn biến phức tạp của COVID-19
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bắc Giang, Long An, Đắk Lắk và Thừa Thiên-Huế đang tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống dịch thông qua việc xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh Bắc Giang, Long An, Đắk Lắk và Thừa Thiên-Huế đang tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống dịch thông qua việc xây dựng các kịch bản ứng phó khẩn cấp.
Bắc Giang tập trung quyết liệt xử lý hai ổ dịch diễn biến phức tạp
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh đang tập trung quyết liệt xử lý các ổ dịch COVID-19 có diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm trên địa bàn.
Tỉnh chỉ đạo ngành Y tế phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố khẩn trương điều tra, truy vết tất cả các trường hợp liên quan đến các ca mắc, yêu cầu điều tra đến F3, những nơi có điều kiện điều tra đến F4. Lực lượng chức năng thực hiện cách ly tập trung tất cả các trường hợp F1, không được bỏ sót trường hợp nào; ra quyết định cách ly tập trung tại nhà đối với các trường hợp là F2, F3.
Tỉnh khẩn trương chấn chỉnh, tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với Sở Y tế cung cấp danh sách công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, danh sách công nhân đi các tuyến xe đưa đón công nhân hàng ngày để Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố nắm bắt, phục vụ cho công tác điều tra, truy vết khi cần thiết.
Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chấn chỉnh các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như kiểm tra thân nhiệt người lao động hàng ngày, yêu cầu đeo khẩu trang trong quá trình làm việc, khử khuẩn, giữ khoảng cách, chia ca trong các bữa ăn…
Bắc Giang kích hoạt Bệnh viện dã chiến của tỉnh (tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Bắc Giang), sẵn sàng tình huống có thể điều trị cho 300 bệnh nhân mắc COVID-19. Đồng thời, ngành Y tế tăng cường lực lượng y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tăng cường các biện pháp bảo vệ bệnh viện, trung tâm y tế, lực lượng y tế; điều chỉnh giảm quy mô, giãn tần suất nhập cảnh của lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống dịch trong quá trình chuẩn bị và diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; rà soát, đề xuất áp dụng giãn cách xã hội, cách ly y tế đối với những địa bàn có nguy cơ cao.
Tỉnh Bắc Giang cũng quyết định cho học sinh trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh tạm dừng đến trường từ ngày 10/5.
Theo báo cáo của Sở Y tế Bắc Giang, từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hai ổ dịch COVID-19.
Trong đó, ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam đã ghi nhận 4 ca mắc; 220 F1, 732 F2; đã thực hiện xét nghiệm cho F1, F2, kết quả ngoài 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, còn lại âm tính lần 1.
Bốn trường hợp dương tính đã được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2). Ngành chức năng thực hiện cách ly tập trung 220 trường hợp F1; cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe 732 trường hợp F2.
Cũng trong thời gian này, Bắc Giang đã xuất hiện ổ dịch rất nguy hiểm, phức tạp tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn SHIGYOUNG thuộc Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên.
Đến thời điểm 12 giờ ngày 10/5, tại ổ dịch này đã ghi nhận 43 ca mắc COVID-19, 808 F1 và 1388 F2; đã thực hiện xét nghiệm 2.882 người (bao gồm F1, F2 và các công nhân có liên quan), kết quả ngoài 43 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, còn lại âm tính lần 1.
Bắc Giang đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị 43 trường hợp dương tính; thực hiện cách ly tập trung 808 trường hợp; cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe 1.388 trường hợp.
Sở Y tế Bắc Giang nhận định, ổ dịch tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn SHIGYOUNG thuộc Khu công nghiệp Vân Trung là ổ dịch nguy hiểm, khó kiểm soát do xảy ra tại Khu công nghiệp, nơi có mật độ công nhân tập trung lớn, di chuyển rộng, nhiều ca mắc COVID-19 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng, tốc độ lây lan nhanh.
Vài ngày tới có khả năng sẽ có thêm các ca dương tính trong số các F1 đã cách ly, cũng có thể có ca dương tính ngoài số đã cách ly do đi cùng xe khách với ca mắc COVID-19.
Đắk Lắk duy trì lực lượng chốt chặn 24/24 giờ tại khu vực biên giới
Ngày 10/5, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Đắk Lắk do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung làm Trưởng đoàn đã đến đến thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đồn Biên phòng Sêrêpốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài hơn 73km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia.
Khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk hiện có 22.920 nhân khẩu với 26 dân tộc cùng sinh sống tại 51 thôn, buôn thuộc địa bàn 4 xã thuộc 2 huyện biên giới là Buôn Đôn và Ea Súp.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã chủ động triển khai các giải pháp quản lý, siết chặt đường biên giới, đấu tranh quyết liệt với tình trạng xuất-nhập cảnh trái phép.
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk duy trì lực lượng chốt chặn 24/24 giờ tại 6 chốt cố định, 2 chốt cơ động và 18 tổ tuần tra, mật phục tại các vị trí trọng điểm trên tuyến biên giới; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như công tác trinh sát biên phòng, phòng, chống ma túy và tội phạm, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng nhập cảnh trái phép.
Tại buổi làm việc, đại diện Đồn Biên phòng Sêrêpốk đã báo cáo sơ lược công tác tuần tra, kiểm soát 13,3km đường biên và phòng, chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk báo cáo về 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 vừa phát hiện trên địa bàn tỉnh vào hai ngày 8, 9/5, tình hình truy vết, kiểm soát dịch, cũng như các phương án, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử.
Dịp này, Đoàn công tác đã đến thăm, động viên, trao trang thiết bị y tế tặng các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các Đồn Biên phòng Sêrêpốk, Bo Heng và Yok Đôn.
Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử, tại 4 xã biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk triển khai xe chuyên dụng tuyên truyền về bầu cử đến 51 thôn, buôn biên giới.
Các đồn Biên phòng phối hợp với Ủy ban bầu cử địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và các già làng, trưởng buôn, người có uy tín triển khai các hoạt động tuyên truyền như treo băngrôn, khẩu hiệu; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cơ sở; đến từng hộ gia đình để tuyên truyền…
Long An chuẩn bị kịch bản khi dịch diễn biến phức tạp
Tại Hội nghị trực tuyến với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, thành ngày 10/5, nhằm quán triệt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm đối với người trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị kịch bản chi tiết cho mọi tình huống diễn biến phức tạp của dịch.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các địa phương cần củng cố hoặc thành lập ngay các tổ, đội phản ứng nhanh; xây dựng kịch bản chi tiết cho công tác bầu cử trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị năng lực chữa bệnh cho kịch bản có khoảng 500-1.000 trường hợp nhiễm bệnh (nếu có). Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đặc biệt lưu ý cần chuẩn bị kỹ, đảm bảo năng lực truy vết khoanh vùng khi có ca nhiễm trong cộng đồng, để không bị lúng túng.
Tỉnh Long An đã hạn chế các sự kiện đông người; các sự kiện, hội họp quy định tập trung không quá 50 người, tuyệt đối tuân thủ Thông điệp 5K. Tùy các cấp học, Sở Giáo dục và Đào tạo đảm bảo cho học sinh kiểm tra cuối học kỳ 2, sau đó có kế hoạch cho học sinh tạm dừng đến trường, học trực tuyến, ôn thi cho học sinh cuối cấp phải đảm bảo an toàn phòng dịch.
Ông Nguyễn Văn Út lưu ý, công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn dài và đặc biệt quan trọng đối với cán bộ, chiến sỹ trên tuyến biên giới, các địa phương, đơn vị phải có báo cáo cụ thể khó khăn vướng mắc về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để có giải quyết kịp thời. Đặc biệt, không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế trên các chốt biên phòng.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, tính đến chiều 9/5 toàn tỉnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 9.957 người trong số 18.550 liều vaccine Bộ Y tế đã cấp, dự kiến đợt tiêm này sẽ hoàn thành trước ngày 15/5.
Theo ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc tiêm ngừa vaccine là rất quan trọng.
Các cơ quan đơn vị cần tuyên truyền để cán bộ, người dân hiểu rõ, không để tình trạng có vaccine nhưng không đồng ý tiêm. Bên cạnh đó, với chủ trương "đi từng ngõ, gõ từng nhà," Giám đốc Sở Y tế đề xuất thành lập Tổ giám sát phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã, phường, thị trấn nhằm dễ dàng phát hiện người trong từng khu phố, tổ, ấp đi từ vùng dịch về hay người từ nơi khác đến.
Thừa Thiên-Huế sẵn sàng cho giãn cách xã hội
Không chỉ tỉnh Long An, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng sẵn sàng kịch bản cao nhất trong trường hợp phải giãn cách xã hội toàn tỉnh.
Chiều 10/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức họp trực tuyến với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các địa phương sẵn sàng kịch bản cao nhất trong trường hợp phải giãn cách xã hội toàn tỉnh; từng cấp, ngành chủ động phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống; chuẩn bị phương án cán bộ, công chức, viên chức phải giải quyết công việc tại nhà trên môi trường mạng khi thực hiện giãn cách xã hội.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả các ca bệnh đều được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Qua truy vết, giám sát toàn tỉnh hiện có 346 trường hợp F1, 2.358 trường hợp F2, 4.173 trường hợp F3. Tất cả đều được giám sát, cách ly, truy vết theo quy định phòng, chống dịch bệnh.
Tỉnh thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế và nơi lưu trú 2.823 trường hợp, trong đó tại nơi lưu trú 2.437 trường hợp, tại cơ sở y tế 46 trường hợp, tại cơ sở cách ly tập trung 340 trường hợp.
Trong ngày 10/5, các chốt kiểm soát y tế đối với người và phương tiện vào, đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra 1.766 lượt phương tiện, thực hiện khai báo y tế cho 1.304 người.
Từ ngày 29/4 đến 10/5, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 1.655 trường hợp. Toàn tỉnh hiện đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 8.249 người thuộc đối tượng ưu tiên gồm cán bộ y tế, cán bộ khu cách ly, cán bộ nhân viên tại các cảng, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh./.