Chuẩn bị kỹ các phương án cho mùa bão lũ

Từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường biểu hiện mức độ phức tạp, nguy hiểm như: Giông lốc sét, mưa đá trên diện rộng, hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt đồng bằng sông Cửu Long. Nhận định của một số chuyên gia và số liệu thống kê thực tế cho thấy, sau hạn hán kỷ lục sẽ xảy ra mưa đặc biệt lớn. Điều này đòi hỏi các địa phương, bộ, ngành phải chuẩn bị tốt để sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai xảy ra.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế giúp dân cứu kéo tàu bị sóng đánh chìm trong mưa giông. Ảnh: Thế Anh

Cán bộ Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế giúp dân cứu kéo tàu bị sóng đánh chìm trong mưa giông. Ảnh: Thế Anh

Mưa, bão có khả năng gia tăng

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ tháng 7 đến tháng 12-2020, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO 3.4 có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính và nghiêng về pha lạnh trong những tháng cuối năm 2020. Do tác động của pha lạnh nên thời tiết, khí hậu có sự thay đổi đáng kể, mưa, bão có khả năng gia tăng hơn từ mùa Thu năm nay (khoảng từ tháng 9 đến tháng 12-2020). Dự báo, có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 tới 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm.

Trên phạm vi toàn quốc, nắng nóng cũng kéo dài và gay gắt hơn. Nhiệt độ trung bình từ tháng 7 đến tháng 9-2020 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ khoảng 0,5-10C. Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 7-2020 ở Bắc bộ và tháng 7 đến tháng 8-2020 tại khu vực Bắc và Trung Trung bộ. Trong khi đó, tổng lượng mưa trên toàn quốc trong những tháng cuối năm ở mức thấp hơn hoặc xấp xỉ TBNN. Nguồn nước từ nay đến cuối năm 2020 trên các lưu vực sông thiếu hụt từ 20-40%, thiếu hụt nhiều trong các tháng 7-8, đặc biệt thiếu hụt tại hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 30-70%. Còn tại Trung bộ, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 25-60% so với TBNN, một số sông thiếu hụt trên 70%; trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối tại Bắc bộ từ tháng 7 đến tháng 10-2020 phổ biến ở mức báo động 1 và 2, cao hơn năm 2019, riêng trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ từ báo động 2 và 3. “Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc” - Ông Khiêm cho biết - “Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đỉnh lũ xuất hiện vào nửa cuối tháng 9, ở mức báo động 1 và 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m”.

Chủ động chuẩn bị tốt, sẵn sàng ứng phó

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP cho hay: “Theo nhận định của các cơ quan khí tượng, năm nay, bão gió có khả năng diễn biến phức tạp, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người dân. Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường, Bộ Tham mưu BĐBP đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện, bổ sung các phương án phòng chống thiên tai, đặc biệt là mưa lũ, cháy rừng chuẩn bị phương tiện, trang bị sẵn sàng khi có tình huống xảy ra”.

Bộ Tham mưu BĐBP chỉ đạo: “Khi xuất hiện thời tiết xấu có thể dẫn đến mưa giông, lốc xoáy, sấm sét, mưa đá..., phải cho bộ đội dừng ngay các hoạt động như huấn luyện, luyện tập, tuần tra trên biên giới, địa bàn, lao động xây dựng đơn vị..., tổ chức cho bộ đội tránh trú bảo đảm an toàn, không để cho bộ đội hoạt động trên đồi cao, bãi đất trống; không tránh trú dưới các gốc cây, trụ điện, gầm cầu sắt hoặc dưới bờ sông, suối, hồ đập, không mang vác các vật dụng bằng kim loại...”.

Thực tế, ngay từ tháng 4-2020, Bộ Tham mưu BĐBP đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Cụ thể, các đơn vị phải thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn; duy trì nghiêm túc chế độ trực ban, trực lực lượng, phương tiện và chế độ báo cáo. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bổ sung các kế hoạch, phương án, quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát, xác định khu vực trọng điểm có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, ngập úng chia cắt để có biện pháp gia cố, khắc phục và kịp thời sơ tán, di dời cán bộ, chiến sĩ, kho tàng, doanh trại của đơn vị và nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không để chủ quan, lơ là.

Bên cạnh đó, thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, tổ chức luyện tập theo các kế hoạch, phương án cho phù hợp với thực tế từng địa bàn, kịp thời điều chỉnh, bổ sung việc bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia xử lý có hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ”, lấy biện pháp phòng ngừa là chính. Khi có vụ việc xảy ra, nhanh chóng xác minh và khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Theo chỉ đạo của Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP, quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới nói chung và nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nói riêng, người chỉ huy đơn vị phải có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và phương tiện tham gia, nhất là hoạt động của các tổ, đội công tác trên biên giới, địa bàn và tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuan-bi-ky-cac-phuong-an-cho-mua-bao-lu-post430733.html